Mỗi ngày có hàng tấn mỡ bèo nhèo, hôi thối tuồn vào các cơ sở chế biến mỡ ở làng Bình Lương (xã Tân Quang, H. Văn Lâm, tỉnh Hương Yên) và làng Tân Hội (xã Tân Hội, H. Đan Phượng, TP. Hà Nội).
Gom nguyên liệu trôi nổi
Trong số các cơ sở chế biến, đun nấu mỡ ở Bình Lương, “nổi tiếng” hơn cả là hộ ông T., ông H., bà N. Đây là những hộ làm mỡ quy mô lớn và tập trung gần khu vực nghĩa địa, nơi cuối làng. Theo ông T. để có đủ nguyên liệu nấu mỡ, người dân Bình Lương phải tỏa đi khắp nơi thu gom da lợn, mỡ bạc nhạc, thịt mỡ…
Thậm chí có có những chuyến gom hàng kéo dài đến 2, 3 ngày, vào tận Hà Tĩnh, Quảng Bình, rồi lên cả Thái Nguyên, Bắc Kạn. Nếu thu mua ở xa thì nguyên liệu được đóng trong bao tải, rồi gửi xe khách đường dài về Bình Lương. Tương tự ở làng Tân Hội cũng vậy.
Theo bà N., mỗi chuyến hàng nhập về phải từ 6 - 8 tạ thì mới đủ để cơ sở của bà chế biến. Còn các cơ sở nhỏ lẻ trong thôn, nguyên liệu nhập về cho mỗi hộ cũng ngót nghét cả tạ.
Ngoài những cơ sở lớn như của bà N., Bình Lương, còn có hàng chục hộ gia đình vừa tham gia nổ bóng bì, vừa chế biến đun nấu mỡ. “Do đánh hàng theo chuyến dài ngày nên trường hợp bì, mỡ bị ôi thiu nặng là bình thường. Lúc đó mỡ sẽ được ngâm vào nước ô xy già một thời gian, sau đó vớt ra để ráo nước, khi mùi bay hết thì mới đem đi để chế biến”, bà N. tiết lộ.
Trong khi đó ông P., nay đã chuyển nghề lại nói: “Do loại mỡ lợn này bán chạy nên gần như toàn bộ cơ sở trong làng đều liên hệ với các mối trong khắp cả nước để thu mua, chứ không đích thân đi gom hàng. Vì ở xa cộng với lợi nhuận nên nhiều mối sẵn sàng thu mua cả loại lợn bệnh, lợn chết với giá rất rẻ rồi mổ xẻ, phân loại, đóng bao gửi về cho các lò nấu mỡ. Tình trạng này cũng diễn ra ở các lò nấu nướng ở Tân Hội.
Mỡ ôi “ngậm” đất, nước bẩn
Diễn vai một người tìm mua mỡ nước, PV đã thâm nhập vào xưởng chế biến mỡ của bà L tại cụm 12, xã Tân Hội. Gọi là xưởng cho oai, chứ thật ra đó chỉ là mấy gian nhà xập xệ lợp tôn tạm bợ, nhếch nhác kề cánh đồng và ghi lại được những hình ảnh “động trời”.
Buổi trưa, thứ mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi đến buồn nôn. Gian nhà phía đầu hè chứa hàng tấn tóp mỡ. Chúng được ép thành bánh và đóng vào các bao tải, sau đó xếp chồng lên nhau. Dưới nền, váng mỡ chảy lênh láng, cáu bẩn thành cặn đen, sền sệt.
Phía bên trong, 4 lao động của xưởng đang cân những túi mỡ ôi do một người phụ nữ chở đến. Nhận hàng xong, họ xé toạc túi bóng để những mẩu thịt mỡ vụn rơi lã chã xuống nền lát gạch ướt nhớp nháp.
Bì lợn một đống. Mỡ bèo nhèo mấy ụ. Từ những mô thịt nằm la liệt, thứ dịch màu đỏ đùn ra loang lổ, bốc mùi tanh tưởi, hôi hám. Đám ruồi nhặng túa vào, bám đen kịt những miếng mồi béo bở. Người làm việc trong xưởng thoải mái đi lại, chà đạp đế đôi ủng bẩn bên cạnh những đống mỡ.
Sau khi băm, chặt nhỏ và tiếp tục được vứt xuống nền gạch, thịt mỡ được tống vào 4 chảo gang cỡ lớn đặt trên bếp lò đun củi. Mặt chảo ngang mặt lò. Dưới sức nóng của ngọn lửa bốc ngùn ngụt, thịt mỡ nổ bồm bộp, bắn tung tóe xung quanh. Thứ chất lỏng trơn nhuồi nhuội kết hợp với tro bụi tạo thành chất keo bám vào mặt lò một lớp dày.
Thịt mỡ bẩn trong chảo chảy nước sôi sùng sục, thứ bọt màu nâu sẫm sủi ùng ục. Sau khi vớt tóp mỡ và để nguội, bọt bẩn lắng xuống, tạo thành một lớp váng dày đặc như canh riêu cua. Muốn mỡ nước có màu vàng trong, phải lọc qua một lớp vải. Thời điểm ế ẩm, chủ xưởng tích mỡ vào những chiếc thùng phuy và che đậy hết sức sơ sài.
Theo tìm hiểu của PV, bà L có thâm niên làm nghề chiết xuất mỡ được khoảng 8 năm. Ngày trước, cơ sở sản xuất của bà đặt tại nhà (cụm 11, xã Tân Hội), nhưng “bị xóm làng chửi như… tát nước vào mặt vì làm ăn mất vệ sinh” (trích nguyên văn lời của người dân cụm 11) nên phải thuê khu đất trống sát cánh đồng của cụm 12 hành nghề.
Mỗi ngày, xưởng của bà chế biến khoảng 300 - 400 kg thịt mỡ, bì lợn ôi từ các khu chợ trên địa bàn Hà Nội tha về.
Chuồng lợn biến thành xưởng chế biến mỡ
Cách đó vài trăm mét, 3 lao động tại xưởng chế biến mỡ ôi của bà N.T.N cũng đang làm việc rất tốc lực.
Trên khoảng nền bê tông rộng chừng 4 m2 sát mép đường đất dân sinh, bà N lúi húi dỡ 2 - 3 tạ thịt mỡ, bì lợn ra sàn bẩn thỉu để phân loại. Sát đó, một người phụ nữ khác bịt kín khẩu trang (để giảm bớt mùi thối từ đống thịt) một tay cầm dao, một tay vơ những miếng thịt mỡ từ nền xi măng lõng bõng nước bẩn đặt lên thớt băm lia lịa như băm rau lợn.
Giống như bà L, trước đây bà N cũng “hành nghề” tại nhà ở cụm 13 (xã Tân Hội). Đến năm 2008, dân làng kêu hôi thối quá mới thuê lại khu chuồng nuôi lợn này, biến nơi đây thành xưởng chế biến mỡ. Dấu tích của cái chuồng nuôi lợn vẫn còn hiện hữu ở các ô ngăn.
Tôi hỏi: “Sao không lát nền gạch men cho đỡ mất vệ sinh?". Bà N bảo: “Lát gạch men chẳng tốn mấy đồng, nhưng đi lại trơn trượt để ngã ra đấy à”.
Phía trong gian nhà lụp xụp bám đầy bụi bẩn, 4 - 5 lò đốt bốc hỏa nghi ngút. Khắp không gian nóng hầm hập. Hơi bốc lên từ những chảo mỡ ôi thiu khiến cổ họng tôi lờm lợm. Sát chân bể xi măng chứa nước nhà bà N có 2 chậu chất đầy bì lợn đã được luộc chín, ngâm thứ nước trắng đục. Gần đó có một gói bột màu trắng.
Một người từng làm nghề sơ chế sản phẩm động vật bật mí: “Loại hóa chất này chính là phèn chua. Nếu ngâm bì lợn với nước lã + phèn chua, bì lợn sẽ hết màu thâm, trở nên trắng, dai, cắn vào có cảm giác sần sật”.
Sau khi để ráo nước, số bì lợn này được thái mỏng thành sợi rồi bán cho các cơ sở chế biến nem chua, giò trên địa bàn Hà Nội. Tôi lại hỏi: “Nhìn bì lợn ngâm nước lã đục thế này, người ăn vào sinh bệnh thì sao?”. Chủ xưởng “vặn” lại: “Thế anh đã thấy ai ngộ độc vì bì lợn chưa?”.
“Mình có buôn thuốc phiện đâu mà sợ”
Tai tiếng về cơ sở chế biến mỡ mất vệ sinh của bà N thì cả xã Tân Hội đều biết. Trong tháng 9/2014, bà N bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt vì hành vi sơ chế sản phẩm động vật không đủ điều kiện vệ sinh thú y; đồng thời tịch thu và tiêu hủy hơn 1.000 lít mỡ nước + 325 kg da và mỡ không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Ngày 19/9, UBND huyện Đan Phượng ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến mỡ của bà N trong thời gian 3 tháng. Thế nhưng, thực tế ghi nhận của PV vào cuối tháng 9, xưởng chế biến mỡ này vẫn nhập vài tạ thịt mỡ, bì lợn mỗi ngày để chế biến.
Hỏi lý do, bà N bảo: “Tội đ. gì, mình có buôn thuốc phiện đâu mà sợ”, và chống chế: “Mình làm thủ công, đun củi thì phải bẩn rồi. Cái loại mỡ của Đài Loan còn bẩn hơn nhiều”. Nhìn ngôi nhà tầng sang trọng, nội thất hiện đại mà gia đình bà N đang sống, người ta có thể đoán ra lợi nhuận “kếch sù” từ nghề chế biến mỡ bẩn mang lại.
Bà N thừa nhận, mỡ nước sau khi chiết xuất được cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn… trên địa bàn Hà Nội. Còn “tóp mỡ được bán cho các trang trại chăn nuôi”.
Tuy nhiên, sự thật có phải toàn bộ tóp mỡ được chế biến thành thức ăn gia súc hay không? P.V.T, một đầu bếp từng làm việc tại nhiều quán cơm bình dân, quán bia… tại Hà Nội thú nhận với tôi rằng: “Dân nhậu rất khoái những món ăn chế biến từ tóp mỡ”.
Những cột khói đen mùi hôi hằng ngày vẫn bốc cao vút từ những cơ sở chế biến mỡ bẩn trên địa bàn xã Tân Hội. Ai cũng dễ dàng nhìn thấy, ngửi thấy. Nhưng chính quyền xã Tân Hội có chịu biết không? Khi PV thông tin về các cơ sở chế biến mỡ bẩn trên địa bàn xã Tân Hội vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp Quyết định đình chỉ của UBND huyện Đan Phượng, bà Nguyễn Thị Ly, Chủ tịch UBND xã Tân Hội mới “ngớ người”: “Nếu vậy thì phải báo cáo lên cấp trên ngay”.
Bà Ly cũng thừa nhận là không biết các cơ sở này vẫn đang hoạt động.