Chỉ khách quen mới bán
Sau tiết lộ kinh hoàng của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội về những tác hại của một số loại hoá chất dùng để bảo quản hoa quả tươi lâu hiện nay, PV VietNamNet đã thâm nhập thực tế thị trường buôn bán những loại hoá chất này nhằm tìm hiểu những tác động nguy hiểm của chúng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Để tìm hiểu, PV đã đến một số chợ chuyên buôn bán các loại thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Bưởi, Phùng Khoang… Tuy nhiên, thật không hề dễ dàng để tiếp cận chủ hàng và mua loại thuốc “thần dược” này hoặc tiếp cận được thì họ đều lắc đầu không bán.
Sau quá trình nhập vai cần mua mua loại thuốc bảo quản hoa quả tại một của hàng nhỏ ở chợ Bưởi, (đường Hoàng Hoa Thám), chị H chủ cửa hàng e dè và bắt đầu lên tiếng: “Trước đây tôi có bán nhiều loại thuốc khác nhau nhưng giờ thì ít hơn vì nó hơi nguy hiểm. Hiện tại trong quán chỉ có mấy loại của Trung Quốc thôi. Bình thường những mặt hàng này tôi chỉ chuyên bán cho người quen, em cần thì tôi để lại cho một ít”.
Theo sự tìm hiểu của chúng tôi thì loại thuốc mà chị H giới thiệu là loại đang được bán trôi nổi trên thị trường, chỉ cần có người giới thiệu thì rất dễ dàng để mua chúng. Một lọ giá trung bình chỉ khoảng 20-25 nghìn đồng, không hề có tên, nhãn mác, đơn vị sản xuất nhưng công dụng của chúng thì “vô biên”, nghĩa là chúng có thể biến hoa quả từ xanh non thành chín đẹp, tươi bóng loáng và bảo quản được nhiều tháng.
Ghi nhận tại một số các của hàng bán thuốc hóa chất này, có thể thấy rất nhiều loại thuốc được bày bán giúp trái cây chín đẹp và tươi lâu. Đó là các loại từ bột trắng, dung dịch đến những loại “thuốc” đựng trong ống nhỏ dùng tiêm trực tiếp vào quả.
Tuy nhiên, do có dư luận phản ánh về độc hại của những loại thuốc kể trên nên việc buôn bán cũng bị quản lý gắt gao hơn. Chính vì thế việc mua bán chúng chỉ diễn ra ngấm ngầm và chủ các cửa hàng từ lớn đến bé cũng chỉ bán cho những khách hàng đã quá thân thuộc.
Khi chúng tôi ngỏ ý tìm mua loại thuốc “nặng độ” hơn, chị H nhanh nhảu: “Lọ này nhỏ, giá 25.000 đồng nhưng nó có thể hô biến trái cây như táo, lê, chuối, mít,… tươi lâu, để hàng tháng không thối, ủng. Nếu muốn nhanh chín và lâu thì cứ pha đậm đặc, càng đặc thì công dụng càng cao”.
“Của rẻ là của ôi”
Theo như chị H tiết lộ thì trước đây, để làm chín hoa quả cũng như bảo quản chúng, các chủ của hàng thường dùng các phương pháp truyền thống như hương, đất đèn, lá xoan, chấm vôi vào cuống… Bây giờ thì khác, hoa quả từ các thương lái thu mua phân phối cho các chủ cửa hàng cũng mất cả chục ngày nên dễ thối, dễ hỏng nên phải dùng hoá chất để hạn chế quá trình thối của hoa quả.
“Bây giờ người ta thay thế bằng các loại hoá chất có độc hơn, vừa tiện lợi, nhanh gọn mà giữ được hoa quả tươi lâu. Loại này giá thế là quá rẻ, khi ngâm thì nhớ bịt kín khẩu trang vào nhé không lại trách chị không dặn trước”, chị H nói.
Trước ánh mắt băn khoăn chị H trần tình: “Nói thế chứ hoá chất nào là hoá chất không có độc, mình có ăn nó đâu mà sợ. Đấy là chị nhắc cho nhớ vì mình là người làm ra mình phải biết nó có độc gì mà tránh trước”.
Rồi chị hướng dẫn: “Em dùng lọ này pha với 50 lít nước, sau đó em cho táo, lê, mận, chuối vào ngâm khoảng 15 - 20 phút thì vớt ra. Ngày hôm sau nhìn là tươi rói trông đẹp mắt lắm. Với mít, sầu riêng thì khác em không cần pha mà tiêm trực tiếp vào cuống, để chúng khoảng 1 ngày thì chín vàng và có mùi thơm nồng nặc, thậm chí không thối, để được mấy tháng không hỏng”.
Khi chúng tôi tỏ vẻ băn khoăn về độ an toàn khi vào tay người tiêu dùng, chị H tặc lưỡi: “Lượng thuốc hoá chất đã pha ra đã loãng, không đủ độ để gây ngộ độc đâu nên em cứ dùng vô tư đi”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội thì, người ta vẫn nói rằng của rẻ là của ôi, cứ tham rẻ thì chỉ chuốc bệnh vào thân.
Thuốc làm trái cây mau chín thực chất là thuốc làm tăng tốc độ chuyển hóa tinh bột thành đường. Còn thuốc bảo quản trái cây thì theo cơ chế ngược lại, tức làm chậm quá trình lên men bên trong, làm chậm quá trình chuyển hóa etilen nhằm giữ trái cây tươi lâu, không thối, dễ vận chuyển đi xa.
Hiên trên thị trường có nhiều loại hóa chất sử dụng vào mục đích này. Có loại chứa hoạt chất có tính bay hơi hoặc rửa trôi thì vô hại, nhưng loại chứa hoạt chất “ngậm” bền vững và ăn sâu vào trái cây thì có hại cho người dùng. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc của Trung Quốc đang bán thường hoạt động theo cơ chế “ngậm” bền trong trái cây rất nguy hiểm cho sức khoẻ con người.