Của rẻ là của ôi Tại một số khu chợ như Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm, Gia Lâm…, chỉ cần nhìn lướt qua cũng có thể bắt gặp những hàng bán thịt chim ngồi trải dài hai ven đường. Số thịt chim này được bày bán trong những cái mẹt bày ngay gần mặt đường, những người bán hàng đều nhiệt tình quảng cáo và chào mời:“Mua chim bồ câu non đi em ơi, giá rẻ bất ngờ, vừa ngon lại vừa bổ”. Khi hỏi giá một con chim đã tẩm ướp sẵn ở đây là bao nhiêu, phóng viên sững sờ trước câu trả lời: “Nếu em lấy ít thì chị lấy 15 nghìn đồng/con, còn nếu lấy từ 10 con trở lên thì chị lấy 10 nghìn thôi”. Thắc mắc tại sao chim bồ câu mà lại có giá rẻ đến thế, người bán hàng trấn an: “Yên tâm đi, xung quanh đây là khu chuyên nuôi chim bồ câu mà em. Với lại giống này sinh sản nhanh lắm, nên chim non nhiều quá, bán bớt đi với giá rẻ thôi”.
Theo quan sát của phóng viên, trong một buổi sáng, trung bình mỗi người bán hàng ở đây bán được từ vài chục đến cả trăm con “chim bồ câu non”. Mặc dù biết rằng, nếu là chim bồ câu đảm bảo chất lượng thì sẽ chẳng bao giờ có cái giá “hời” này, nhưng nhiều khách hàng vẫn tặc lưỡi mua. Chị H, một người bán hoa quả cạnh đó cho biết: “Ôi giời, chắc cũng chẳng phải chim bồ câu đâu, nhưng rẻ nên tôi vẫn thường mua vài con về cho chồng nhắm rượu, họ tẩm ướp sẵn rồi nên về chỉ việc rán vàng lên, ăn cũng thấy thơm lắm”. Một khách hàng khác thì tỏ vẻ bức xúc:“Mấy lần trước, tôi cũng mua thịt chim này về nấu cháo tẩm bổ cho con trai, vì mình cứ nghĩ người ta bán hàng nói thật, nên tin là chim bồ câu non. Nhưng một lần bà nội dưới quê lên chơi, thấy mua về, bà bảo đây chắc chắn không phải chim bồ câu, vì nhà bà nuôi chim nên bà biết, với lại giá chim bồ câu bình thường đắt hơn 5-7 lần chứ làm gì có giá rẻ mạt thế. Lúc ấy, tôi mới giật mình, không biết những lần trước con mình ăn rồi có sao không nữa. Chỉ tại ham của rẻ mà ra thôi”. Nhưng con chim được vặt lông, làm thịt sạch sẽ, thậm chí được ướp bởi những mùi vị rất thơm, hay quết thêm lớp mật ong vàng óng đã hấp dẫn không ít người mua hàng, nhưng đằng sau vỏ bọc ấy, không một ai biết nguồn gốc xuất xứ của những con chim ấy đến từ đâu. Chim ướp chất hóa học, bảo quản được cả tháng Đó là một tiết lộ “động trời” mà chú H, một người chuyên bán thịt chim tại chợ này cho biết khi tôi ngỏ ý muốn lấy mối về bán. “Đây không phải chim bồ câu non như quảng cáo đâu. Hầu hết là chim cút loại già, chết và bị thải, những người bán nhập về với giá rẻ như cho rồi biến hóa thêm. Họ nhúng qua hợp chất gì đó rồi mới tẩm ướp gia vị cho hết mùi hôi, tanh, thậm chí nhìn còn rất ngon mắt nữa”. “Bán loại này yên tâm là có lãi vì giá nhập vào không đáng kể, nếu có bán rẻ thì vẫn lãi. Nếu bán không hết thì chỉ việc cất tủ lạnh hôm sau bán tiếp, không lo bị hỏng vì đã được xử lí hóa chất trước rồi” – ông cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên không chỉ ở những khu chợ bên Long Biên, mà dọc tuyến đường cao tốc Thăng Long – Nội Bài, hai bên ven đường có rất nhiều hàng bán loại thịt chim này. Có hàng thì giới thiệu là chim bồ câu non, nhưng cũng có hàng nói là chim cút, chỉ có một điểm chung là giá thành của loại chim này rất rẻ, thậm chí ở nhiều hàng, thịt chim có lẽ do để lâu quá đã chuyển qua màu xám xịt, nhờ nhờ, thế nhưng nhiều người mua vẫn vô tư chọn mà không hề để ý. Dù là chim cút hay chim bồ câu, nhưng với việc nhập hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về bán tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng đang vô tình trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của những sản phẩm độc hại này.