Ngay sau tuyên bố giảm trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng về 6%/năm của NHNN, các nhà băng lớn, nhỏ đã đồng loạt công bố mữc lãi suất tiết kiệm mới. Đáng chú ý, các nhà băng không chỉ giảm lãi huy động kỳ hạn tiền gửi dưới 6 tháng, mà thực tế các kỳ hạn tiền gửi trung – dài hạn cũng đều giảm theo.
Tại các nhà băng lớn, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng thấp nhất ghi nhận là 5% thuộc về Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), kế tới là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức lãi 5,5%/năm, 5,8%/năm là mức lãi suất Eximbank trả cho các khách hàng gửi tiền tại kỳ hạn này từ ngày 18/3.
Các kỳ hạn gửi 2 tháng, 3 đến 5 tháng được các ngân hàng niêm yết từ 5,5%-5,8%/năm. Điều đáng nói, không chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, mà lãi suất kỳ hạn gửi dài cũng giảm từ 0,3-0,5%. Như tại BIDV, mức lãi suất từ 6 đến 11 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm, từ 7% xuống còn 6,5%/năm; kỳ hạn gửi 12 tháng giảm về 7%/năm.
Ở một số ngân hàng lớn khác như Vietcombank, Ngân hàng TMCP Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... mức lãi tiền gửi 12 tháng cũng giảm về mức từ 7,3 – 7,5%/năm.
Không chỉ các ngân hàng quốc doanh lớn giảm lãi kỳ hạn gửi dài, mà ở khối ngân hàng cổ phần kỳ hạn gửi 12 tháng cũng giảm theo. Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mức lãi kỳ hạn 12 tháng giảm về còn 8,95%/năm từ ngày 18/3; tại DongABank chỉ còn 7,1%/năm... Hay như tại PGBank từng được coi là ngân hàng có mức gửi lãi suất cao nhất thì trường, thì từ ngày 18/3 lãi suất gửi 12 tháng của nhà băng này cũng rút về còn 8,1%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm còn 9%/năm....
Giải thích chuyện các nhà băng đều giảm nhẹ mức lãi suất kỳ hạn dài, Giám đốc nguồn vốn một NHTMCP tại Hà Nội cho rằng, ngoài chuyện cơ cấu lại nguồn vốn khi lãi suất kỳ hạn ngắn giảm, việc đồng thời giảm lãi tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là để các ngân hàng tiết kiệm và cân đối chi phí vốn cho mình.
Không ngạc nhiên về chuyện người dân chọn kỳ hạn gửi dài thay vì gửi kỳ hạn ngắn như trước đây, vị giám đốc này tiết lộ, “Nếu trước đây 70% lượng tiền gửi của người dân là ngắn hạn, thì nay chỉ 40% chọn gửi ngắn hạn, còn hầu hết khách tới giao dịch hôm nay đều chọn gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên”.
Nhân viên chi nhánh SeAbank trên phố Ngô Quyền (Hà Nội) thì cho biết, lượng khách tới giao dịch tại chi nhánh này trong ngày đầu giảm lãi tiết kiệm không có biến động, nhưng ai nghe tới thông tin lãi suất giảm nét mặt đều trùng xuống đôi chút. Có những người tỏ ý tiếc nuối đã không nhanh chân gửi sớm một ngày để nhận được mức lãi cao hơn. “Hầu hết khách hàng khi nhìn biểu lãi suất đều lựa chọn kỳ hạn gửi dài” – nhân viên này cho hay.
Sự “chuyển dịch” gửi tiền tiết kiệm ở kỳ hạn trung – dài hạn thay cho gửi ở kỳ hạn ngắn của người gửi tiền đều đã được lãnh đạo NHNN cũng như các ngân hàng “tiên lượng” từ trước khi chủ trương giảm lãi suất có hiệu lực. Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến trong cuộc họp chiều 17/3 cũng tin rằng, lãi suất ngắn hạn sẽ có mối liên quan trực tiếp đến dài hạn, từ đó người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi với những khoản vay dài hạn. Ông cho rằng, bối cảnh thị trường và lạm phát hiện nay, NHNN đã xem xét các tác động trước khi quyết định, phản ứng sẽ không lớn.
Cho rằng việc giảm trần lãi suất xuống 1% là giải pháp tích cực, hợp lý của NHNN trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực NHTMCP Liên Việt Bưu điện (LienVietPostBank) không cho rằng, tiền sẽ bị rút khỏi ngân hàng và rót vào các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán. Bởi theo ông, mức giảm lãi suất hiện nay chưa làm giảm nguồn huy động tiền gửi mà chỉ giảm tiền gửi kỳ hạn ngắn, song lại tăng tiền gửi kỳ hạn trung và dài hạn.
Nghĩa là cơ cấu kỳ hạn gửi sẽ được cơ cấu lại, kỳ hạn trung và dài hạn sẽ “hút” người gửi tiền hơn”- ông Hưởng nói.
Phó tổng giám đốc BIDV ông Trần Xuân Hoàng cũng tự tin, ngân hàng đã lường trước được kịch bản khi hạ lãi suất theo chủ trương. Với tốc độ tăng trưởng huy động vốn của BIDV 2 tháng đầu năm tăng 1,2% và tăng trưởng tín dụng tăng 1,6%, Phó tổng giám đốc BIDV hoàn toàn tin tưởng, dù lãi suất có giảm thì người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm là kênh giữ tiền an toàn.
“Nếu nói việc giảm lãi suất lần này có ảnh hưởng tới huy động vốn của ngân hàng không, thì tôi cho rằng chắc chắn là có, nhưng không nhiều. Vốn vẫn sẽ vào ngân hàng và vẫn đủ cung ứng cho bộ phận tín dụng”- ông Trần Xuân Hoàng nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh: Nếu như mục tiêu kiềm chế lạm phát càng rõ nét hơn thì lãi suất huy động có thể duy trì ở mức 5-6%, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn, triển khai các dự án, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, những người có tiền nhàn rỗi sẽ có hướng nhìn sang kênh đầu tư khác thay vì gửi tiết kiệm, có thể người ta sẽ rút vốn đó để đầu tư sản xuất kinh doanh, hoặc đầu tư vào những lĩnh vực chứng khoán nếu có kiến thức về lĩnh vực này. Như vậy, dòng vốn sẽ chuyển hướng đi vào sản xuất kinh doanh, đi vào những nơi có nhu cầu về vốn hiện nay.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư xã hội trong những năm vừa qua không đạt kế hoạch, tăng ở mức thấp. Việc giảm lãi suất này sẽ thúc đẩy cầu đầu tư và sẽ hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải giữ lãi suất thấp nhưng phải ổn định trong thời gian dài. Khả năng kiểm soát lạm phát của chúng ta đã rõ nét rồi, nhà đầu tư sẵn sàng vay trung, dài hạn để đầu tư vào máy móc, thiết bị, cải tiến sản phẩm và tăng năng suất cao hơn.
Khi lãi suất giảm cũng giúp giảm chi phí sử dụng vốn của các DN. Mức lãi suất cho vay được kéo thấp xuống nữa tại Việt Nam sẽ tương thích với mức lãi suất vay của các nước hiện nay trong khu vực.
Chẳng hạn, Thái Lan, Singapore, Malaysia có mức lãi suất cho vay chỉ khoảng 5-6%/năm, điều giúp các DN Việt có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các DN nước ngoài, nâng cao lợi thế của DN Việt trên trường quốc tế.