Cuộc sống công nghiệp với tốc độ vũ bão cuốn con người chúng ta vào guồng quay của những loại thực phẩm đông lạnh, đồ ăn nhanh… Bên cạnh sự tiện ích, thuận lợi mà chúng mang lại thì không thể không nhắc tới những hiểm họa, nguy cơ khôn lường. Làm thế nào để giữ thịt, rau, củ, quả tươi, ngon trong nhiều ngày, hẳn nhiên câu trả lời chính là hóa chất bảo quản thực phẩm… Từ câu chuyện của thịt bò "để 2 năm vẫn tươi"… Những ngày cuối năm 2013, dư luận xã hội một lần nữa chấn động với vụ việc 12 tấn thịt bò được bảo quản 2 năm quá hạn bị phơi bày ra ánh sáng.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã thu giữ 584 thùng thịt bò đông lạnh (khoảng 22kg/thùng) hết hạn sử dụng có xuất xứ từ Canada, Úc. Lượng thịt này được giấu kĩ trong những kho lạnh với nhiệt độ từ -18 độ C đến -22 độ C. Nhiều khả năng, lượng thịt bò này nếu không bị phát hiện, rất có thể chúng sẽ được cung ứng tới các quán cơm, quán nhậu và bán cho người dân.
Tất cả chúng đều hết hạn sử dụng vào ngày 26/01/2012 và theo các chuyên gia, dù có sử dụng chất bảo quản hay không thì lượng thịt trên cũng không thể sử dụng làm thức ăn cho người được nữa.
… tới nỗi khiếp sợ hóa chất bảo quản thực phẩm… Chất bảo quản thực phẩm được hiểu đơn giản là những loại hóa chất tự nhiên hay tổng hợp được thêm vào thực phẩm để ngăn ngừa hoặc làm chậm sự thối rữa, phân hủy, lên men… do các vi sinh vật, nấm mốc gây ra.
Trên thế giới hiện nay, người ta chia các chất bảo quản thực phẩm ra thành hai nhóm: chất bảo quản ngăn ngừa hiện tượng ôi thiu do nấm mốc gây ra (preservative) và chất chống oxy hóa ngăn chặn sự biến chất các thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm (antioxidant).
Có hàng trăm loại hóa chất khác nhau được sử dụng cho mục đích bảo quản thực phẩm. Trong số đó, một số loại sở hữu độc tính cao và bị hạn chế, cấm sử dụng đối với các loại đồ ăn, thực phẩm như: natri nitrat (NANO3), lưu huỳnh dioxit, muối diêm… Tuy nhiên, những hóa chất trên vẫn được trái phép sử dụng. Thậm chí, ngay cả các chất như natri benzoat và kali sorbate – 2 chất bảo quản được thực phẩm lâu, không gây ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng sản phẩm cũng bị một số nhà sản xuất lạm dụng dùng vượt liều lượng để kéo dài thời gian bảo quản.
Theo các chuyên gia, việc sử dụng hóa chất độc hại sẽ có thể gây hậu quả tới sức khỏe người tiêu dùng. Hàn the - một chất phụ gia thực phẩm hay được dùng để chế biến giò, chả, bánh phở… khi xâm nhập cơ thể sẽ bị giữ lại khoảng 15% trong các mô mỡ, mô thần kinh, đồng hóa các albuminoit trong cơ thể, gây nhiều hội chứng sức khỏe như ung thư, đột biến gene, quái thai…
Hay như muối diêm là hỗn hợp muối nitrat, nitrit thường được dùng để diệt vi khuẩn và nấm mốc trên thịt tươi. Khi vào cơ thể, nó sẽ chuyển hóa thành nitrit, hóa hợp với các amin tạo ra nitrosamine - một chất kịch độc gây nên ung thư ở người.
Chưa hết, không ít nhà sản xuất còn sử dụng lưu huỳnh dioxit (SO2) hoặc muối hidro sunfit (NaHSO3) để làm thịt “tươi”. Thực tế, cả hai chất này đều chỉ có khả năng kéo dài và chống vi khuẩn xâm nhập trong một thời gian nhất định và thường được dùng trên hoa quả. Nếu dùng trên thịt, chúng chỉ làm mất mùi ôi mà thôi, còn độc tố sản sinh ra thì không loại bỏ được. Thậm chí khi lạm dụng quá nhiều thì lượng lưu huỳnh dioxit thừa sẽ gây độc trực tiếp cho người dùng. Chẳng hạn, xông SO2 với thịt sống khi xâm nhập đường tiêu hóa, nó có thể gây loét, thủng ruột, dính vào mắt sẽ làm mờ mắt. Phương pháp nhận biết thực phẩm sử dụng chất bảo quản độc hại Thật khó để nhận biết được tất cả các loại thực phẩm có bị dùng chất bảo quản quá liều hay không. Điển hình là trường hợp của thịt được xông SO2 gần như không thể nhận biết bằng mắt thường. Tuy nhiên, đối với một số loại thực phẩm nhất định, các chuyên gia vẫn có những phương pháp nhận biết nhất định: Đối với bún, phở… vốn được ướp nhiều Tinopal (chất làm sáng quang học), bạn hoàn toàn có thể nhận ra bằng mắt thường: bún nhiều hóa chất thường có độ bóng, trắng sáng hơn hẳn dưới ánh sáng.
Đối với các loại giò, chả, bạn có thể ngửi để tìm ra loại chứa chất phụ gia. Giò loại này có mùi thơm nồng, sực rất rõ trong khi giò ngon chỉ có mùi thơm thoang thoảng. Ngoài ra, nếu cây giò, chả nào có lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hay có triệu chứng nấm, mốc thì cũng không nên lựa chọn tiêu dùng.
Để chọn mua được những miếng thịt lợn ngon, hãy tránh xa những miếng thịt quá nhiều nạc, màu sẫm như thịt bò. Theo khuyến cáo của WHO, đó là thịt của những con lợn được nuôi với chất tăng trọng có chứa nhiều corticoid - hóa chất gây rối loạn trao đổi chất và ung thư bàng quang ở người.
Tạm kết: Hãy là người tiêu dùng thông minh, tự cứu lấy mình trước khi quá muộn. Bất cứ khi nào bạn phát hiện ra các cơ sở sản xuất có sử dụng chất bảo quản độc hại để tẩm ướp, chế biến thịt bất hợp pháp, đừng ngần ngại báo cáo cho các cơ quan chức năng.