Theo hướng dẫn tại Điểm 3 thì từ ngày 01/01/2014, tem rượu nhập khẩu sẽ được chuyển từ hình thức ấn chỉ cấp phát không thu tiền sang ấn chỉ bán thu tiền. Giá tem rượu nhập khẩu cho doanh nghiệp là 520 đồng/con tem.
Việc thu nộp tiền bán tem được thực hiện theo hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản. Đối với trường hợp rượu bị tịch thu, căn cứ thủ tục bán tem rượu nhập khẩu theo quy định, cơ quan hải quan nơi cấp tem lập chứng từ thu tiền và cấp tem cho cơ quan / tổ chức được phép xử lý hàng tịch thu.
Do mẫu tem phát hành theo Thông tư 160/2013/TT-BTC được giữ nguyên theo mẫu đang sử dụng nên Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố xác định số lượng tem tồn kho đến ngày 31/12/2013 để đối chiếu và tiếp tục sử dụng loại tem này.
Tại Thông tư 160/2013/TT-BTC hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem đối với sản phẩm rượu nhập khẩu và rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước vừa ban hành, Bộ Tài chính nêu rõ, doanh nghiệp thực hiện và tự chịu trách nhiệm việc dán tem rượu khi đưa ra thị trường để tiêu thụ.
Cán bộ giám sát Hải quan làm nhiệm vụ bán tem, giám sát việc dán tem có trách nhiệm quyết toán tem rượu nhập khẩu với đơn vị cấp tem chậm nhất không quá 2 ngày làm việc kể từ ngày hàng hóa được thông quan. Báo cáo tình hình sử dụng tem rượu nhập khẩu do doanh nghiệp lập là căn cứ để thực hiện quyết toán tem sử dụng.
Bộ Tài chính quy định Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Chi cục Thuế có trách nhiệm tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tổ chức, cá nhân tự dán tem rượu sản xuất trong nước theo quy định.
Các tổ chức, doanh nghiệp mua tem và tự chịu trách nhiệm về việc dán tem rượu nhập khẩu. Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc công việc dán tem lô hàng tịch thu hoặc nhập khẩu, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dán tem phải lập bảng kê quyết toán chi tiết số sêri tem rượu đã sử dụng và gửi báo cáo cho cơ quan Hải quan nơi cấp tem để quản lý.
Thông tư cũng quy định rõ các trường hợp không phải dán tem trên bao bì sản phẩm gồm: Rượu sản xuất thủ công để bán cho các doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu; Sản phẩm rượu sản xuất để xuất khẩu, chào hàng, triển lãm ở nước ngoài; Rượu nhập khẩu trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.