Pháp luật không khống chế giá trị tối thiểu của vụ kiện, nên về nguyên tắc, người dân kiện đòi một đồng tòa vẫn phải thụ lý giải quyết.
Bực mình vì mất thêm 5.500 đồng
Theo trình bày của ông Quang, ngụ phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM, ngày 3/4/2013, ông đến trụ ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) đặt ở 12-14 Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM) để rút 15 triệu đồng. Mọi khi ông chỉ cần giao dịch ba lần (mỗi lần được rút 5 triệu đồng), tốn phí 3.300 đồng (bao gồm 10% VAT).
Tuy nhiên, thời điểm đó, trụ ATM ở đây chỉ còn tiền mệnh giá 50.000 đồng nên ông buộc phải rút đến tám lần, mỗi lần được 1.750.000 đồng, mất 8.800 đồng tiền phí mà vẫn chưa đủ số tiền định rút. Bực mình khi mất thêm 5.500 đồng so với mọi khi mà chưa đủ số tiền cần có, ông Quang vào phòng giao dịch của VCB ở địa chỉ trên khiếu nại. VCB đã tiếp xúc và giải thích, nhưng ông không hài lòng và đã gửi đơn khởi kiện yêu cầu VCB trả lại… 5.500 đồng.
TAND quận 1 (nơi VCB đặt trụ sở) đã thụ lý vụ kiện. Và ông Quang cũng đã đóng tạm ứng án phí 200.000 đồng theo thông báo của tòa này. Cuối tháng 9, tòa đã tiến hành hòa giải nhưng bất thành.
Đòi cả phí dịch vụ SMS
Trong quá trình tòa giải quyết, ông Quang còn bổ sung yêu cầu khởi kiện đòi lại 50% phí dịch vụ SMS đăng ký báo số dư tài khoản qua di động mà mỗi tháng VCB đã thu của ông 8.800 đồng suốt từ năm 2010. Lý do, theo ông là ngân hàng đã thực hiện không đầy đủ việc báo số dư. Cụ thể, tài khoản của ông tại VCB là tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất. Và lãi suất cũng là số dư, nhưng VCB không báo qua SMS là không đúng với những gì đã cam kết về dịch vụ. Từ đó, ông yêu cầu VCB phải trả lại cho ông 158.400 đồng.
Trước khi khởi kiện, VCB đã có nhiều công văn trả lời khiếu nại cho ông Quang. Theo đó, VCB không thể chỉ nạp vào ATM một loại mệnh giá 500.000 đồng để đảm bảo luôn chi cho khách đủ 5 triệu đồng/giao dịch, như thế là trái quy định của Ngân hàng Nhà nước (phải nạp tiền vào ATM với nhiều mệnh giá khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nhất là nhu cầu mệnh giá nhỏ để chi tiêu).
Mặt khác, khe cửa trả tiền ở máy ATM chỉ cho phép đưa ra tối đa 35 tờ/lần. Do đó, nếu trong máy không còn loại mệnh giá 500.000 đồng thì khách chỉ được rút tối đa 3,5 triệu đồng (mệnh giá 100.000 đồng) và 1.750.000 đồng (mệnh giá 50.000 đồng). Mỗi lần như vậy, trên màn hình ATM đều hiển thị dòng chữ thông báo và gợi ý, nếu khách ấn nút đồng ý thì máy mới hoạt động tiếp. Thời điểm ông Quang rút tiền, trụ ATM chỉ còn mệnh giá 50.000 đồng. Nếu không đồng ý, ông Quang có thể sang trụ ATM gần đó hoặc sang điểm ATM khác. Tuy nhiên, ông Quang vẫn chấp nhận thực hiện tám giao dịch với thao tác gõ số tiền 1.750.000 đồng ở mục “số khác” trên màn hình rút tiền. Việc ông Quang cho rằng ngân hàng sai là không có cơ sở, chẳng qua ông chỉ hiểu nhầm dịch vụ của VCB.
“Có phước mới đáo tụng đình”
Trao đổi với phóng viên, ông Quang nói, đi kiện không vì nổi tiếng mà đòi công lý và để bổ sung các vấn đề ghi trong luật chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, khuyến khích doanh nghiệp làm ăn tốt, lương thiện và minh bạch để phát triển.
Ông Quang lý luận: Mỗi lần rút tiền từ máy ATM sẽ mất phí 1.100 đồng/giao dịch. Trên các trụ ATM của VCB đều ghi: “Chủ thẻ Vietcombank Connect-24 có thể rút tối đa 5.000.000 đồng/giao dịch...”. Khách sử dụng dịch vụ ATM rút tiền là để đỡ tốn thời gian, công sức. Tuy vậy, dù chấp nhận mất phí nhưng người dùng vẫn không rút được 5 triệu đồng/lần như VCB đã thông báo. VCB cố tình nạp vào máy một cách hạn chế tiền có mệnh giá 500.000 đồng và 100.000 đồng, chủ yếu nạp mệnh giá 50.000 đồng để khách hàng phải rút nhiều lần, để thu được nhiều phí. Với hàng triệu người sử dụng ATM của VCB thì số tiền VCB thu được từ việc này sẽ rất lớn. Như vậy VCB đã quảng cáo gian dối, gian lận thương mại.
Nói thêm về việc đòi lại 5.500 đồng, ông Quang cho rằng: “Không có số tiền nhỏ hay lớn, bởi đồng tiền nào cũng phải lao động mà có. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh đồng tiền thì họ phải biết giá trị đồng tiền. Ở đây tôi chỉ kiện đòi lại giá trị hữu hình là số tiền trên. Những thiệt hại khác có giá trị vô hình, chưa có cơ quan nào giám định được nên không có cơ sở để đòi. Việc đòi lại số tiền này là đồng tiền danh dự với tôi. Vì vậy, khi đi khiếu nại nhiều lần, nhân viên VCB quen mặt nói để họ bỏ tiền túi ra trả, tôi thẳng thừng khước từ”.
Ông Quang nói ông không đồng ý với quan niệm “vô phúc đáo tụng đình” mà ở đây là… có phúc. “Qua việc đi kiện này, tôi sẽ có được những kinh nghiệm, bài học thực tiễn quý giá mà không phải trả quá nhiều tiền. Đi kiện lời chứ không lỗ. Tôi tin mình sẽ thắng kiện. Việc đi kiện là nhằm để ngân hàng nhận lỗi, công khai sửa chữa. Đây là thiện chí xây dựng chứ không phải phá hoại” - ông Quang nói.
Án phí cao hơn tiền đòi Trao đổi về vụ kiện, lãnh đạo TAND quận 1 cho biết, đây là vụ kiện tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Giá trị tranh chấp dù lớn hay nhỏ thì tòa án đều phải thụ lý theo thẩm quyền. Người dân đi kiện đòi số tiền bao nhiêu tòa đều phải giải quyết. Với những loại án này, tòa áp dụng án phí có giá ngạch, bởi yêu cầu của đương sự là số tiền cụ thể. Tuy nhiên, do giá trị tranh chấp không lớn, án phí theo giá ngạch tối thiểu của đương sự phải đóng là 200.000 đồng. Trong vụ kiện này, nguyên đơn chỉ đóng tạm ứng án phí, sau khi vụ kiện được giải quyết mới xác định bên nào phải chịu án phí. |