Đêm 1-5, đặc nhiệm hải quân Mỹ đột kích tư dinh của Osama bin-Laden ở Pakistan, tiêu diệt trùm khủng bố rồi thả xác xuống biển Bắc Ảrập. Tuy nhiên, nguy cơ Mỹ và nhiều nước khác bị tấn công khủng bố vẫn còn đó. Trong khi đó, Hy Lạp khủng hoảng nợ công, Nhật Bản vẫn chật vật đối phó sự cố rò rỉ hạt nhân, nhiều nước đàn áp phong trào dân chủ…
Do hạn hán tồi tệ nhất 60 năm qua, 10 triệu người, phần lớn là trẻ em, ở khu vực Sừng châu Phi đang đối mặt nguy cơ chết đói. Trên phạm vi toàn cầu, hơn 1 tỷ người thiếu ăn, trong khi kinh tế thế giới hồi phục chậm chạp, giá lương thực cao nhất 3 năm qua, theo Chương trình Lương thực của Liên Hợp Quốc.
Làn sóng bạo động ở Anh bùng phát đêm 6-8 ở thủ đô London rồi lan sang nhiều thành phố khác. Những kẻ bạo loạn liên tục phóng hỏa đốt nhà cửa, xe cộ, đập phá hàng quán, hôi của… Thủ tướng Anh David Cameron đã phải tính đến nước dùng quân đội để trấn áp.
Đầu tháng 8, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật nâng mức trần nợ công và cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu công để ngăn nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, niềm tin vào nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn giảm mạnh; đảng Cộng hòa đổ lỗi cho đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama.
Với tư tưởng thù ghét người Hồi giáo nhập cư, ngày 22-7, Anders Breivik (Na Uy) đánh bom, xả súng giết chết 77 người, trong đó có 69 người trên đảo Utoeya. Một họa sĩ biếm phóng tác kiệt tác “Tiếng thét” của họa sĩ thiên tài người Na Uy Edvard Munch.
Sau nhiều hành động khiêu khích trên biển Đông, giữa tháng 8, Trung Quốc chạy thử tàu sân bay đầu tiên, khiến nhiều nước quan ngại.
Hầu phòng Nafissatou Diallo kiện ông Dominique Strauss-Kahn cưỡng dâm cô trong khách sạn ở New York hôm 14-5. Sau khi bị cảnh sát Mỹ bắt, ông từ chức Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cũng trong năm nay, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, cựu Thống đốc bang California (Mỹ) Arnold Schwarzenegger và cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ John Edwards dính bê bối tình ái.