Theo kết quả thăm dò mới được công bố thì nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư vẫn là một bí ẩn. Tuy nhiên, sau một thời gian tìm hiểu, tôi chắc chắn rằng ngày này có nguồn gốc từ làng tôi. Các cụ cao niên trong làng tôi nói rằng ngày Cá tháng Tư xuất phát từ làng mình là có cơ sở khoa học vững chắc.
Các cụ kể, rằng thì là từ xa xưa người dân làng mình rất thích nói đùa, dân nói đùa 1 thì các vị chức sắc trong làng nói đùa 10. Phàm là người có chức sắc trong làng thì phải biết nói đùa, vị nào càng đùa dai, càng đùa hay thì càng nổi đình nổi đám, đường quan lộ cũng từ đó mà hanh thông sáng lạn. Bởi thế mà các quan làng thường tranh thủ phát ngôn những câu đặc sắc khiến dân làng bổ ngửa, trong đó có những câu nói đùa nói giỡn đã trở thành kinh điển.
Quan làng mình không chỉ biết nói đùa mà còn biết chọc ghẹo người dân bằng những hành động rất thiết thực. Chẳng hạn như xây hồ tích nước trên cao rồi bất thình lình xả xuống làm dân chạy tóe loe, cây xanh đang rợp bóng mát thì đùng phát thay bằng cây gỗ nửa nạc nửa mỡ (tục gọi là Ba Chỉ) bé tí, dân làng đang chạy ăn từng bữa mà cứ nằng nặc đòi chi 18 vạn quan tiền để tổ chức hội khỏe làng... Rất rất nhiều việc khiến dân bất ngờ đến té ghế, mà các cụ cao niên không thể nhớ xuể.
Sau khi chứng kiến mấy cú đùa dai của quan làng, có một số người đâm lo. Họ bảo mặc dù các quan vui tính thật, nhưng cứ đùa lung tung kiểu này, việc đùa tưởng thật, việc thật tưởng đùa... rất nguy hiểm. Tốt hơn hết là gom lại, chỉ đùa vào một ngày thôi, đề nghị làng họp cho ý kiến nên chọn ngày nào hợp lý nhất?
Ngay lập tức quan làng tổ chức họp mất gần tháng, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, mọi người đã thống nhất tìm ra được tháng nói dối nói đùa nhiều nhất trong năm, đó là tháng 3. Cụ thể:
Tháng 3 là tháng mà thời tiết rất đỏng đảnh: Sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa gió nồm và hôm sau rét đậm... Thời tiết như đùa cợt ấy cũng khiến con người thất thường theo nên có nhiều hành động thật giả lẫn lộn.
Tháng 3 là tháng “giáp hạt”, đói kém (người ta có câu tháng ba ngày tám – đói lắm), người ta hay nghĩ ra những trò đùa để quên đi cái đói, dân nghèo thì thường khoác lác rằng “tôi ăn cơm rồi”, mặc dù bụng đói meo.
Tháng 3 là mùa lễ hội. Mùa này người ta thường xuyên lừa nhau bằng những trò cúng bái, bói toán, giải sao giải hạn. Rồi người trần mắt thịt lại cà chớn lừa cả thánh thần, đốt cho vài đồng bạc giả rồi xin xỏ đủ thứ. Lừa thánh thần, lừa người, rồi lại tự lừa mình bằng những lá bùa, lá ấn, cứ đinh ninh rằng có nó treo trong nhà là thăng quan tiến chức rầm rầm.
Tháng 3 còn là mùa quyết toán của các doanh nghiệp. Các cụ khỏi phải kể thì ai cũng biết con số báo cáo của các doanh nghiệp là những con số biết nói... dối.
Còn rất nhiều vụ việc đùa dai mà các quan làng thường tổ chức trong tháng 3 nữa, tỷ như chỉnh trang cảnh quan đường làng, tái tạo cảnh quan bờ sông, con tép bảo con tôm, cây cau bảo cây dừa... Tất cả đều khiến dân chúng ồn ào, nôn nao, nhốn nháo...
Sau khi bình chọn được tháng 3 là tháng nói dối hoành tráng nhất trong năm, mọi người “trăm phần trăm” nhất trí bình chọn ra ngày nói dối hàng năm là ngày... 1 tháng 4.
Và từ đó, cứ vào ngày 1/4, mọi người được nói dối, trêu đùa nhau những điều vô hại, vừa để vui vẻ, vừa là để nhắc nhau đừng đùa dai, đừng làm những điều tầm bậy như trong tháng 3... vừa qua.