Người nước ngoài có thể ngạc nhiên, thậm chí e ngại trước những món ăn chế biến từ nội tạng động vật nhưng đó lại là một trong những nét đẹp văn hóa đặc sắc nhất của nền ẩm thực Việt.
Cùng khám phá sự sáng tạo độc đáo trong việc chế biến nội tạng động vật của văn hóa Việt. 1. "Lòng lợn" Dù có tên gọi hẹp, chỉ đề cập tới một bộ phận, đôi khi gọi cùng cách chế biến giản đơn nhất (lòng luộc), nhưng "lòng lợn" lại là cách gọi chung cho hầu hết các phủ tạng lợn được luộc, hấp hay nướng. Món ăn dân dã hết sức phổ biến tại Việt Nam và được nhiều lứa tuổi ưa chuộng.
Đĩa lòng thường bao gồm lòng non (lòng xe điếu), lòng già (chiếm tỉ lệ chủ yếu) cùng một vài phủ tạng khác như tim, gan, lá lách, dạ dày, cổ hũ, tràng... Dù là phủ tạng nhưng đây đều là những thứ đặc sản ngon miệng nên đĩa lòng lợn ở Việt Nam cũng có giá thành tương đương hoặc nhỉnh hơn thịt thông thường một chút. Chế biến lòng lợn không quá cầu kỳ nhưng cần bí quyết đặc biệt thì lòng mới trắng, giòn, ngon.
2. Cháo lòng Cháo lòng được người Việt ưa chuộng đặc biệt, là món ăn dân dã "ngon số một" theo nhiều đánh giá. Cháo nấu theo phương thức thông thường nhưng sử dụng nước ninh xương hoặc nước luộc lòng non, nguyên liệu chính không thể thiếu các món phủ tạng lợn luộc ( "lòng lợn" như đề cập phía trên).
Thông thường, khi nấu cháo lòng người chế biến sẽ pha kèm một chút tiết để cháo có màu nâu sẫm. Cháo lòng, lòng lợn, tiết canh là bộ ba song hành gần gũi và dân dã bậc nhất với người Việt. Dân nhậu thường dùng ba món với rượu gạo, và tôn món ăn lên bậc "quốc hồn quốc túy" của ẩm thực Việt. 3. Dồi Dồi là món ăn được làm từ lòng các động vật lấy thịt cỡ trung bình, thường là lợn hoặc cổ các loài thủy cầm. Lòng hoặc cổ được nhồi đầy hỗn hợp tiết, các loại rau băm nhỏ, gia vị gia giảm sau mang hấp cách thủy cho chín hoặc nướng. Trên thế giới có một vài món ăn tương tự, nhưng dồi dùng những nguyên liệu độc đáo và thuần Việt hơn cả, nên được coi là món ăn đặc sản của Việt Nam.
Dồi cũng thường ăn kèm lòng lợn, cháo lòng, khi ấy dùng dồi luộc. Trong một vài trường hợp hoặc tùy nguyên liệu chế biến, dồi còn được chiên hoặc nướng để làm tăng hương vị. 4. Thắng cố Thắng cố là món ăn đặc trưng của đồng bào người H'mông, sau du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Nguyên liệu nấu thắng cố truyền thống là thịt ngựa, sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn và không thể thiếu bộ phủ tạng.
Thắng cố có cách chế biến đơn giản nhưng vẫn đòi hỏi bí quyết nếu muốn có món ăn ngon. Ngoài thịt, tất cả các phủ tạng ăn được của con vật đều được chặt khúc. Các nguyên liệu đều được xào một lúc tới khi se cạnh thì đổ nước vào ninh nhừ, có thể chế thêm các loại rau.
Món ăn có hương vị cùng màu sắc đặc trưng, trước kia chỉ dùng trong các ngày lễ hội đặc biệt của đồng bào dân tộc nhưng nay đã được chế biến rộng rãi hơn để phục vụ khách du lịch cũng như đáp ứng nhu cầu xã hội hiện đại. 5. Nặm pịa Một vài người có thể đánh đồng khái niệm nặm pịa và thắng cố với nhau, nhưng hai món ăn này có một vài điểm khác biệt khá rõ. So với thắng cố, nặm pịa nặng mùi và khó ăn hơn, nhưng không phải không thể gây nghiện.
Nặm pịa là món ăn truyền thống của dân tộc Thái, "nặm" nghĩa là canh, "pịa" nghĩa là thứ dịch sền sệt trong ruột non của động vật ăn cỏ, hay còn gọi là phân non. Chất dịch này được lấy ra, nêm thêm gia vị, cho thêm nội tạng gồm dạ dày, tiết, lòng, tim, gan...đem ninh nhừ là có món nặm pịa. Nặm pịa không phải món dễ ăn, nó có vị đắng của "pịa" cùng mùi gắt nồng khiến nhiều người phải bịt mũi nhưng khi ăn xong sẽ để lại vị ngọt nơi cuống lưỡi, cùng vị cay cay của mắc khén. 6. Phá lấu Phá lấu là món ăn theo chân người Hoa du nhập tới miền Nam, và cũng phổ biến với người miền Nam hơn cả. Bao tử, lưỡi heo đem lộn trái rồi làm sạch, khử trùng, cho vào luộc chín, ngâm nước lạnh cho giòn. Phá lấu đươc cắt miếng vừa ăn rồi ướp với ngũ vị hương, hành, tỏi, tiêu ớt. Kế đó, đem phá lấu xào săn trên lửa, thêm nước dùng, các vị thuốc bắc, cuối cùng là cải chua đun nhỏ lửa tới khi cạn nước chuyển màu vàng ươm.
Phá lấu thường ăn kèm cháo Tiều, cũng là một món ăn của người Hoa. Nồi phá lấu với người Tiều có thể dùng quanh năm suốt tháng, hết nước lại châm vào, rồi cho thêm chút muối là có thể ăn dần cả năm.
Ngoài ra, nội tạng động vật chế biến sạch sẽ còn có thể xào với rau hoặc dưa chua, phần gan dùng làm pate, ruột hay lòng dùng làm vỏ xúc xích, lạp xưởng. Phủ tạng động vật nhìn chung khá bổ dưỡng nhưng cũng không nên quá nhiều, có thể gây hại cho sức khỏe.