Làm chè bưởi mất thời gian nhất chính là khâu khử đắng cùi bưởi. Nhưng bạn hoàn toàn có thể mua sẵn ngoài hàng để rút ngắn công đoạn nếu không có nhiều thời gian.
Chè bưởi có vị giòn dai của cùi bưởi, dẻo thơm của cốm và lá dứa, ngọt thanh của đường phèn, béo béo của cốt dừa vô cùng ngon.
Nguyên liệu:
- Cùi bưởi khử đắng mua sẵn.
- Đường cát trắng và đường phèn.
- Bột năng.
- Tinh chất lá dứa.
- Cốm non - cốm tươi hoặc cốm khô.
- Nước cốt dừa.
Cách làm:
Bước 1: Nấu 500ml nước (nếu dư để lại nấu chè) với đường cát trắng sao cho hơi sệt sệt và ngọt đậm, tắt bếp thêm ít tinh chất lá dứa vào và khuấy cho đều màu để nguội. Màu xanh của cùi bưởi đậm hay nhạt tùy vào cho nhiều hay ít tinh chất lá dứa. Nước đường phải ngọt đậm để khi áo bột năng, cùi bưởi sẽ vẫn có độ ngọt nhẹ, ăn chè sẽ ngon hơn.
Bước 2: Cùi bưởi, nước đường, bột năng, bắt đầu áo bột cùi bưởi. Chan 1 ít nước đường ở bước 1 lên cùi bưởi, bóp mạnh cho cùi bưởi thấm hết nước đường. Rắc bột năng 1 lượng vừa đủ lên cùi bưởi, trộn đều rồi bóp mạnh cho bột năng ngấm vào cùi. Cứ thế thêm 2 -3 lần tương tự là cùi bưởi sẽ được áo đều bột năng.
Bước 3: Cho nồi nước nấu sôi rồi cho cùi bưởi vào luộc đến khi bột chín trong là vớt để ra thau nước đá tầm 20 phút - 30 phút cho cùi bưởi được giòn, sau đó vớt ra để ráo. Luộc vừa chín tới cùi bưởi sẽ rất giòn, thơm và ngọt nhẹ. Trong quá trình luộc khuấy đều cho cùi bưởi không bị dính vào nhau và không bị cháy đáy nồi.
Bước 4: Cho nồi nước nấu sôi cùng đường phèn (ngọt ít hay ngọt nhiều tuỳ khẩu vị). Pha bột năng với 1 ít nước, khi đường phèn đã tan hết thì đổ từ từ bột năng vào đến độ đặc vừa ý thì dừng lại. Khuấy đều tay để bột chín trong thì cho cốm non (cốm tươi) vào trộn đều tầm 2-3 phút là cốm chín rồi cho cùi bưởi vào, cho thêm ít tinh chất lá dứa, tiếp tục khuấy đều màu rồi tắt bếp. Đối với cốm khô thì rửa qua nước rồi mới cho vào nồi chè, cốm tươi thì không cần rửa.
Bước 5: Hoàn thành món ăn - cho chè ra chén, thêm nước cốt dừa và thưởng thức.
Lưu ý:
Nếu không mua được cốm thì có thể thay cốm bằng đậu xanh cà vỏ, ngâm 2-3 tiếng đem hấp còn nguyên hạt và làm y bước 4.
Dùng đường phèn để có màu lá dứa trong và xanh đẹp, nếu không dùng màu lá dứa thì dùng đường thốt nốt sẽ thơm ngon và ra cốt chè màu vàng sậm.
Khi nấu ở bước 4 và bước 5 phải khuấy liên tục để đáy nồi không bị cháy.
Cách làm tinh chất lá dứa: lá dứa rửa sạch, xay cùng 1 ít nước, lọc lấy nước để tủ lạnh qua đêm, hôm sau chắt bỏ phần nước trong ở trên và lấy phần cốt ở dưới là sẽ có tinh chất lá dứa.
Theo Facebook: Huỳnh Dung