Lợi ích của mướp đắng: Do chứa một thành phần momodicine - có đặc tính kích thích sự thèm ăn nên, dù rất đắng nhưng vẫn là món ăn hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn, nhuận tràng, chữa táo bón và cung cấp lượng canxi đáng kể giúp xương và răng chắc khỏe hơn.
Mẹo để giảm vị đắng của mướp đắng:
1. Chọn mướp đắng
Nên chọn những quả mập, vỏ dày, dáng thẳng và không cong (để dễ cắt), vỏ mướp đắng có màu xanh nhạt (không chọn màu trắng, vàng hoặc có vết sẹo dài). Khi cắt, quả mướp đắng còn giòn và tươi.
2. Giảm vị đắng của mướp đắng với muối
Sau khi cắt mướp đắng thành miếng, dùng nạo cào bỏ hết hạt sau đó trộn với một nhúm muối xóc đều, để ướp khoảng 10 phút và rửa sạch qua với 1 lượt nước sôi.
3. Chần với nước muối
Nếu làm món mướp đắng xào. Hãy đun sôi nước cùng một chút muối sau đó chần qua mướp đắng cho đến khi chuyển màu xanh đậm thì vớt ra, ngâm trong nước lạnh (ngâm nước đá càng tốt) để mướp có vị giòn và màu sắc xanh mướt. Tiếp tục vớt ra để ráo nước rồi mang xào như bình thường.
4. Muối
Mướp đắng nấu: Dùng dao thái mướp đắng thành lát mỏng, cho muối vào xóc đều hoặc ngâm trong nước muối một lúc rồi đem rửa sạch với 2-3 lần nước và mang nấu.
5. Luộc nhiều lần
Đun sôi mướp đắng và thay nước nhiều lần để loại bỏ bớt vị đắng. Càng luộc nhiều lần vị đắng sẽ càng giảm, tuy nhiên cũng không luộc quá nhiều để tránh mất đi hương vị của mướp. Cách làm này thích hợp để làm món luộc hoặc hầm mướp đắng.
6. Đun sôi mà không đậy nắp nồi
Cách làm này rất thích hợp với những ai thích vị đắng của mướp. Có thể vận dụng để chế biến các món như: thịt nhồi mướp đắng, súp, nêm thêm tỏi, hạt tiêu đun ở nhiệt độ thấp và mở vung để bay bớt vị đắng của mướp.
Lưu ý: Không nên ăn mướp đắng sống, bởi có thể gây cảm giác buồn nôn, ói mửa, do trong thành phần của mướp đắng có chứa nhiều saponin - chất này có tác dụng gây độc hại cho cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn mướp đắng quá nhiều nếu không muốn bị tiêu chảy.