Vào rừng thấy cây nấm, cây rau nào quá tươi tốt mà không có vết thủng, vết nham nhở do bị sâu ăn thì dẫu có đói lòng cũng không dám động tới. Khi đã chuyên tâm vào canh tác chứ không còn nặng về săn bắn thu gom lâm sản có sẵn trong rừng thì người ở miền rừng lại nhận ra một bí kíp ẩm thực mới mẻ: loài sâu mới thật khôn, biết tìm những gì bổ béo nhất.
Bởi thế ăn sâu cũng là hưởng cái tinh chất của cây cối, rau củ thuần chất trong thiên nhiên. Và thế là sâu dâu, sâu nhộng tằm đến cả sâu măng bỗng dưng trở thành món ăn đặc sản cuốn hút thực khách.
Bữa đó cũng như mọi lần, tôi say sưa thưởng thức các món ăn ngay trang trại của anh bạn tên Bình. Toàn món đặc sản: gà leo đồi thớ thịt chắc khỏe, măng chua thơm trong chum nấu cánh gà, rau đồ chấm muối hạt dổi. Mâm cơm đơn giản, đậm đà hương vị cây nhà lá vườn lại vừa sạch và chân chất không sợ hóa chất độc hại. Lát sau tôi mới biết còn một món gia chủ mang lên vào giờ chót: sâu măng.
Chẳng biết thị hiếu thưởng thức côn trùng, sâu bọ rộ lên ở đâu chứ những món ăn này đã thành khoái khẩu của dân đi rừng. Ngó qua thân nứa hơi héo ngọn, u bướu là biết ngay có những chú sâu măng béo ngậy đang đục khoét trong đó. Sâu đem về ướp muối. Sau khi hành đã phi thơm trong chảo liền thả sâu vào đảo nhanh tay. Đến khi thân sâu trắng đã chuyển sang màu vàng nhạt như nắng hanh là có thể bỏ nhúm lá chanh thái chỉ vào để tạo thêm mùi vị hấp dẫn.
Nhưng ăn sâu măng như thế thôi chưa đủ, còn phải thưởng thức cùng với rượu sâu măng mới thú. Chỉ những lần bắt được sâu măng béo ngậy, chủ nhà mới thả vào bình rượu ngâm để dùng trong những dịp đón khách quý. Nhẩn nha nhai những con sâu măng béo ngậy, nhấm nháp thêm ly rượu sâu thơm lừng mới thấy sâu cũng đáng yêu phết!