Nói đến ẩm thực trong dân gian, hầu khắp trên mọi miền người ta không thể quên vị cay của ớt. Chất cay gắn liền với nóng và tất nhiên theo triết lý âm dương nó sẽ giúp cân bằng với chất hàn (lạnh).
Theo nhiều tài liệu sinh vật học thì cây ớt có nguồn gốc từ châu Mỹ nhưng ngày nay nó được trồng khắp nơi trên thế giới và được sử dụng làm gia vị, rau, và thuốc. Có những bằng chứng khảo cổ ở các khu vực ở Tây Nam Ecuador cho thấy ớt đã được thuần hóa hơn 6000 năm về trước và là một trong những loại cây trồng đầu tiên ở châu Mỹ.
Christopher Columbus đã là một trong những người châu Âu đầu tiên thấy ớt ở vùng Caribe, và nhà thám hiểm này gọi chúng là "tiêu" vì chúng có vị cay tương tự chứ không phải dựa vào cách nhìn hình dáng bên ngoài.
Ớt có rất nhiều loại. Phổ biến nhất là các loại ớt sừng trâu trái lớn dáng cong, ớt hiểm trái nhỏ, dựa vào màu sắc của nó người ta lại chia ra ớt hiểm xanh, ớt hiểm trắng, … Ớt có trồng trên các liếp đất hay trồng ngay trong chậu vừa có trái ăn, vừa làm cảnh.
Đất để trồng ớt cần chọn nơi quang đãng và nhiều ánh sáng. Ớt trồng bằng hột. Sau khi gieo hột vài tháng là ớt đã có trái và cho trái quanh năm.
Ớt có thể ăn ngay từ lúc già cho tới khi chúng chín đỏ trên cây. Đơn giản nhất là món muối ớt. Vài trái ớt đâm nát với muối là có thể chấm các loại trái có vị chua từ bần, chùm giuộc đến me, ổi… đều góp phần cho món ăn thêm đậm đà, ngon miệng. Muối ớt dùng làm đồ chấm của rất nhiều món ăn từ canh chua, cá, rắn nướng đến rùa rang muối, gà xé phay,…
Ớt cũng được dùng dầm trong đĩa cá, mắm kho hay đĩa nước mắm trong để chấm rau luộc, các loại dưa bồn bồn, điên điển,… Chính vị cay nồng của nó làm cho thức ăn thêm ngon, người ăn đỡ ngán.
Cầu kỳ hơn và muốn để lâu hơn, người ta đem ớt phơi khô rồi xay thành bột. Bột ớt dùng để nêm thức ăn cũng ngon không kém ớt tươi.
Người miền Tây Nam bộ còn ngâm ớt làm chua. Ớt chín được bằm nhuyễn cùng với vài tép tỏi rồi cho vô keo. Chế nước giấm chua vào để một hai ngày ăn với cá kho, hay làm nước mắm đều tuyệt vời.
Và cũng chính từ những trái ớt trồng làm cảnh ít cay, người ta tận dụng để làm mứt. Những tái ớt to gần trái cà tô-mát được các mẹ, các chị khéo léo khoét bỏ hột rồi ngâm rửa qua nước muối, phèn chua. Độ cay ít của loại ớt này sau khi rửa kỹ gần như đã tan biến hết.
Sau khi ớt đã ráo nước, người ta bắc chảo lên thắng đường cho tới rồi trút ớt vô sên. Lửa nhỏ riu riu giúp đường thấm dần vào ớt. Chảo đường khô là mứt tới. Nhắc chảo xuống chờ nguội rồi xếp vô keo để ăn dần. Sáng sáng bên chung trà nóng ngâm nga vài miếng mứt ớt se se cay làm cho lòng người ấm lại. Thật thú vị biết nhường nào.
Còn theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng. Tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau), kháng nham (chữa ung thư). Người bình dân thường dùng để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp, dùng ngoài chữa rắn rết cắn. Rễ và lá ớt còn có mặt trong các bài thuốc dân gian để chữa bệnh sốt rét.
Mượn vị cay như một lẽ đương nhiên của ớt, dân gian lý giải một hiện tượng bình thường trong tâm lý phụ nữ:
Ớt nào mà ớt chẳng cay
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng!