ĂN NGON » Địa chỉ ăn ngon

Vải đang vào chính vụ có giá rẻ và ngon, học làm trà vải thanh mát, để được cả tháng không lo hỏng

Thứ sáu, 16/06/2023 14:09

Đây là công thức làm món trà vải thanh mát cho mùa hè oi nóng, rất dễ thực hiện.

Đang vào chính vụ, vải ngon và rẻ, cùng học làm một loại thức uống ngon mát để bổ sung “BHA giá rẻ nguồn gốc thiên nhiên”.

Cách làm trà vải vô cùng đơn giản, thành phẩm đẹp mắt, ngon miệng.

Nguyên liệu:

- 1 kg vải (không tính cành lá).

- 700-800ml nước.

-350g đường (có thể sử dụng đường trắng, đường vàng, đường phèn).

- Vài nhánh lá dứa nếp (có thể có hoặc không).

Cách làm:

Nấu nước đường trước để đợi nguội:

Sử dụng toàn bộ đường và nước theo định lượng ở trên đun lửa vừa khuấy cho đường tan tới khi sôi thì thêm lá dứa nếp, hạ lửa và đun tiếp tục trong tầm 7- 8 phút, tổng thời gian đun khoảng 10 phút. Sau khi đun nước đường hơi đặc hơn. Đun đủ thời gian này sẽ giúp nước ngâm bảo quản vải tốt hơn.

Các bước sơ chế vải:

Vải rửa sạch qua vài lần nước.

Bắc một nồi nước đun sôi lăn tăn để trụng vải trong 1 phút. Bước này giúp vải trắng và bảo quản được lâu hơn.

Vớt vả ra ngâm vào chậu nước lạnh. Khi nước nóng dần thì thay sang nước 2.

Các bước bóc vỏ, tách hạt:

Bóc vỏ 1/2 quả vải.

Sử dụng đầu kéo nhọn cắt quanh phần cuống tiếp xúc giữa hạt và thịt vải.

Luồn mũi kéo xuống ghim vào hạt, xoay nhẹ và rút hạt ra.

Bóc nốt phần vỏ còn lại.

Ngâm ngay vải đã bóc vào nước đá lạnh.

Vải bóc xong vớt ra để ráo, xóc nhẹ cho phần nước phía trong ruột quả ra hết. (Tránh làm dập thịt quả).

Khi bóc xong vải mà nước đường chưa nguội hẳn có thể cho cả nước đường và vải vào ngăn đá để giữ lạnh (Với điều kiện nước chỉ còn hơi ấm hoặc mới nguội, chưa nguội lạnh. Không áp dụng với nước còn nóng).

Sau khi cả vải và nước đường đã lạnh, cho vải vào hũ thuỷ tinh đã trụng qua nước sôi và lau khô, sau đó chan nước đường vào ngập mặt vải, đậy kín nắp và cho vào tủ mát.

Bảo quản:

Cho lọ vải vào tủ mát, sau 1 ngày là có thể sử dụng. Để bảo quản lâu (1 tới 1,5 tháng ) cần lưu ý dùng thìa sạch mỗi lần lấy vải hoặc chia thành nhiều hũ nhỏ, mỗi hũ dùng trong vài ngày.

Vải sau khi ngâm ngấm đường có vị ngọt hơn, giòn và trắng, thịt vải không bị nhũn.

Nước đường ngọt thanh, không bị lên men nổi váng.

Với phần cốt vải ngâm bên trên có thể pha chế được rất nhiều loại đồ uống kết hợp cùng nước, các loại trà, các loại nước trái cây.

Theo Facebook: Ngô Ánh Hồng

Tường San (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới