1. Mướp đắng
Mướp đắng tuy thuộc loại đắng nhất trong các loại rau quả nhưng cũng là món đắng phổ biến hơn cả trong nền ẩm thực Việt. Mướp đắng mát, giúp kích thích ăn uống, thanh nhiệt hiệu quả. Không chỉ vậy, mướp đắng còn là vị thuốc quý giúp phòng chống ung thư.
Người miền Nam thường gọi mướp đắng là khổ qua (theo Hán tự: "khổ" nghĩa là đắng, "qua" là danh gọi chung cho các loại bầu bí), là món ăn mang hàm ý may mắn được dùng phổ biến trong các dịp lễ tết, với ý nghĩa "Ăn cho cái khổ nó qua đi".
Một số món ngon từ mướp đắng có thể kể tới là canh mướp đắng nhồi thịt, canh mướp đắng cá quả, mướp đắng xào trứng, mướp đắng nhồi trứng muối và mướp đắng rán giòn.
2. Canh lá đắng
Canh đắng là đặc sản của đồng bào dân tộc Mường ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Gọi tên là canh đắng bởi canh nấu từ lá đắng hay còn gọi là lá mật vịt. Lá đắng vốn là loại cây rừng, sau người dân biết là giống rau ngon nên mang về trồng tại vườn nhà. Chỉ những chiếc lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu bát canh ngon.
Canh lá đắng không kén nguyên liệu nấu cùng; từ thịt gà, lòng gà tới thịt nạc vai, thịt ba chỉ chỉ lợn hay cá rô đồng, cá mương đều có thể nấu cùng lá đắng, cùng cho bát canh mang hương vị khó quên.
Những người lần đầu thưởng thức đều dễ dàng rùng mình chao đảo bởi chưa từng thử thứ canh đắng đậm đến như vậy, nhưng vị đắng tan biến rất nhanh, thay vào đó là thứ vị thanh mát của các nguyên liệu. Đủ vị cay đắng ngọt bùi đều có cả trong bát canh, mới thấy đời sống ẩm thực của người Mường xứ Thanh thi vị tới nhường nào.
3. Măng đắng
Măng đắng là thứ sản vật dân dã và phổ biến đối với nhiều dân tộc ở khu vực miền núi phía bắc, đặc biệt là các dân tộc Tày, Thái, Mường... Măng đắng có thể chế thành nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng.
Măng đắng ngon nhất là thứ măng vầu thu hoạch sau đợt mưa xuân, những búp măng trắn mơn mởn qua bàn tay khéo léo của người chế biến có thể biến hóa thành nhiều món ăn hấp dẫn như măng luộc chấm mẻ, măng xào mẻ, măng hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Món ăn chế biến từ măng đậm đà, giàu hương vị, ăn hoài không biết chán, rồi thành nghiện vị đắng ấy lúc nào không hay.
4. Trà đắng
Trà đắng còn có nhiều tên gọi khác như khổ đinh trà, chè đinh (sở dĩ có tên này vì sau khi thu hái, người ta cuộn lại giống hình cái đinh) được trồng và mọc tự nhiên ở vùng núi phía Bắc gồm các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai (núi Hàm Rồng, thị xã Sa Pa), Cao Bằng, Ninh Bình (Cúc Phương, Đồng Cơn). Mới thưởng thức trà sẽ thấy ngay vị đắng gắt nơi đầu lưỡi, nhưng xuống tới cuống lưỡi lại có vị ngọt pha chút chua mát, là thức uống giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng.
Ngoài là thức uống thanh mát giải nhiệt, trà đắng còn được coi là loại thuốc thần dược giúp chữa một số bệnh lý liên quan tới huyết áp, tim mạch.