NAM GIỚI » Cấm nữ

Button và chiến thắng hoang đường

Thứ tư, 15/06/2011 11:25

Bất chấp phải thực hiện tới 6 cú vào pit, Jenson Button đã giành chiến thắng trong một chặng đua kinh điển.

Nhìn một cách công bằng, Canadian GP là một cuộc đua chói sáng. Nó có tất cả: các cú đọ sức tay đôi, tai nạn, xe an toàn, trời mưa và cả một số quyết định chiến thuật xuất sắc.

Chiến thuật đã là yếu tố quan trọng nhất trong ngày Chủ nhật và chính nó tạo ra nhiều đột biến. Jenson Button đã thắng nhờ McLaren có những quyết định vô cùng sáng suốt, bất chấp 5 cú vào pit thông thường, một cú penalty phải chạy qua pit, 2 vụ đụng xe và một lần nổ lốp.

Jenson Button đã có một trong những chiến thắng đẹp nhất sự nghiệp

Càng đáng kinh ngạc hơn khi biết Button đã chiến thắng mà chỉ cần đua 38 vòng. Ba mươi hai vòng đua còn lại của cuộc đua 70 vòng này diễn ra dưới sự dẫn dắt của xe an toàn. Ở vòng đua thứ 40, Button vẫn đang chạy cuối cùng. Vậy điều gì đã xảy ra?

McLaren đúng đắn

Để hiểu rõ chiến thắng của Button, cần phải biết rằng McLaren đã quyết định cho anh chạy với thiết lập mức nén xuống khá lớn - điều không bình thường ở Montreal, nơi các đội đua đều chọn lực nén xuống yếu.

Cho dù thiết lập này không giúp Button nhanh hơn, nhưng chính nó khiến chiếc xe trở nên ổn định và bám đường tốt hơn nhiều, đặc biệt khi trời mưa. Đó cũng chính là giai đoạn anh tiến lên mạnh mẽ nhất. Chẳng hạn, Button đứng cuối cùng ở vòng 40, nhưng đã leo lên đến thứ 9 ở vòng 51.

Một điều quan trọng nữa là việc xe an toàn xuất hiện ở vòng thứ 40. Khi đó, khoảng cách cuộc đua được san bằng. Thời gian anh đã đánh mất thông qua các sai lầm, những cú đụng xe với Hamilton và Alonso, cú penalty, nhiều lần vào pit và cả vụ nổ lốp xe đều đã được xóa bỏ.

Đó chính là khoảng thời gian “xóa cờ chơi lại” cực kỳ có lợi cho Button. Kể từ đó, với chiếc xe cân bằng hơn, có độ bám tốt hơn với lốp ướt (và sau đó là lốp khô) cộng với sự hỗ trợ của DRS, Button đã biến cuộc đua thành của riêng mình.

Cũng cần nhắc lại rằng ở vòng 51, anh là một trong số các tay đua đầu tiên vào pit để đổi sang lốp khô, và điều đó phát huy tác dụng ngay lập tức. Trước đó, Webber cũng thực hiện điều tương tự và cho thấy hiệu quả, nên McLaren sớm gọi Button vào pit. Ngay sau khi ra khỏi pit, anh đạt tốc độ cực tốt. Vào lúc đó, anh vẫn đang kém số 1 là Vettel tới 27”.

Red Bull sai lầm

Trong khi đó, Red Bull lại có vẻ quá thận trọng với Vettel. Họ chờ thêm vài vòng đua trước khi gọi anh vào thay lốp. Quyết định gọi Webber vào pit (mà sau này đã chứng tỏ là đúng đắn) đơn giản là một phép thử, trước khi họ gọi Vettel vào. Tới khi quyết định được đưa ra, Vettel chỉ còn hơn Button có 15”. Đó là một sai lầm - cho dù sai lầm này hoàn toàn có thể hiểu được, bởi trong thực tế họ không cần phải quá liều lĩnh khi Vettel vẫn đang thống trị bảng xếp hạng với khoảng cách lớn.

Sự đen đủi của Vettel cũng là một yếu tố quan trọng. Với nhiều lần xe an toàn xuất hiện - mà lần cuối cùng là ở vòng thứ 59, khoảng cách mà tay đua của Red Bull tích lũy được so với các đối thủ cứ liên tục bị xóa đi. Điều này tạo ra một áp lực rất lớn về tâm lý thi đấu đối với Vettel.

Có thể một phần của áp lực này là nguyên nhân khiến Vettel mắc sai lầm trong vòng đua cuối cùng. Bị Button bám đuổi rất sát, Vettel đã khiến chiếc xe bị văng đuôi chỉ trong vòng vài phần trăm giây khi thực hiện ôm cua. Chừng đó cũng quá đủ để anh đánh mất tốc độ khi ra khỏi cua, và Button quyết định thực hiện cú vượt mặt với sự trợ giúp hiệu quả của DRS.

Vettel đã phải trả giá tới 7 điểm vì sai lầm rất hiếm hoi kể từ đầu mùa giải. Dù đây không phải là một kết quả đáng thất vọng, và nó chưa thật sự phản ánh hết năng lực của đương kim VĐTG, nhưng vẫn là điều mà Red Bull cần phải rút kinh nghiệm về mặt chiến thuật trong các cuộc đua sắp tới.

TTTPHCM
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới