Đường đua Bahrain
Về cơ bản, quyết định của FIA đã đảo lộn lịch thi đấu trong nửa cuối của mùa giải năm nay, qua đó đảo lộn toàn bộ kế hoạch di chuyển, vận tải, quảng cáo... của các đội đua. Bên cạnh đó, an toàn là mối lo lớn nhất, khiến các đội đua khó mà ngồi yên. Đây sẽ là một thách thức lớn trong mối quan hệ giữa FOTA và FIA.
Quyết định của FIA cũng có nghĩa là khi mùa giải đã đi được 1/3 chặng đường, người ta đột nhiên cảm thấy chông chênh: không biết nó sẽ kéo dài bao lâu và không biết khi nào sẽ kết thúc. Trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho Bahrain, FIA đã tự mình nhảy vào một cuộc chiến với một thế lực vốn luôn không hài lòng về họ: FOTA. Vậy FOTA sẽ làm gì?
Indian GP Thật ra, trong vụ Bahrain GP vẫn có một bên thứ 3 có lợi, đó là chặng Indian GP. Việc chặng đua này bị đẩy lùi tới cuối mùa giải (và vẫn chưa xác định chính xác thời điểm) sẽ mang tới cho các nhà tổ chức một khoảng thời gian vô cùng quý báu. Nếu nhìn lại để thấy BTC chặng Korean GP đã từng vất vả thế nào để chặng đua đầu tiên của họ diễn ra suôn sẻ, mới thấy hết được giá trị của điều này đối với Indian GP.
Thế nhưng bên cạnh đó, việc đẩy Indian GP vào một vị thế mù mờ lại tước đi niềm vui của họ. Nhìn từ bên ngoài, hành động này có vẻ như FIA và FOM đang cố tìm cách làm cho FOTA suy yếu. Việc đẩy lùi lịch thi đấu của Indian GP tới cuối mùa giải mà không xác định rõ thời gian đã khiến mọi kế hoạch tổ chức của giải này tan thành mây khói.
Indian GP là một chặng đua mới và ẩn chứa nhiều tiềm năng to lớn. Người ta có thể đặt câu hỏi: vì sao các nhà tổ chức Indian GP lại sẵn sàng chấp nhận điều này. Thật ra, nếu muốn phản đối, có lẽ họ cũng chẳng có đủ điều kiện.
Giải đấu mong manh Đưa Bahrain GP vào chiếm chỗ của một chặng đua khác đồng thời kéo dài thời gian diễn ra mùa giải, FIA đã có một hành động kỳ lạ. Kể từ năm 1963, chưa lần nào F1 GP kéo dài tới tận tháng 12. Và ngay cả trong năm 1963, số cuộc đua cũng mới chỉ bằng một nửa bây giờ.
Quyết định của FIA ngay lập tức tạo ra một loạt vấn đề mới, khiến người ta nghi ngờ tính ổn định của giai đoạn cuối mùa giải. Sự xuất hiện đột ngột - hoặc biến mất đột ngột - của một chặng đua trong giai đoạn đó sẽ tạo ra vô số vấn đề và nó hoàn toàn có thể gây tác động trực tiếp đến kết quả toàn bộ mùa giải.
Lẽ ra FIA phải nhìn thấy điều này và tính toán thời điểm tổ chức chặng Indian GP ngay sau khi họ quyết định tổ chức Bahrain GP. Thế nhưng, họ đã không làm như thế.
Mọi con mắt đều dồn vào FOTA Trước khi FIA đưa ra quyết định tái tổ chức chặng Bahrain GP, FOTA đã tự tin tới mức đưa ra tuyên bố chính thức: “Hy vọng của Bahrain trong việc tổ chức chặng đua trong năm nay chắc chắn sẽ chấm hết, sau khi họ thừa nhận rằng các rắc rối về an ninh và vận tải khiến cuộc đua không thể diễn ra”.
Thế rồi đùng một cái, FIA vẫn quyết định tổ chức Bahrain GP. Đó là một đòn đau với FOTA. Vào lúc này, mọi tín hiệu phát ra từ FOTA và các thành viên của nó đều cho thấy một dấu hiệu: FOTA hoàn toàn không muốn đua ở Bahrain. Với thực lực hùng mạnh của mình, chắc chắn FOTA sẽ có những động thái rất dứt khoát để giải quyết vướng mắc này.
Mọi cặp mắt đều đang đổ dồn về phía FOTA, xem tổ chức này sẽ ứng phó ra sao. Liệu họ có chấp nhận điều này và tới Bahrain bất chấp mọi rủi ro, hay sẽ chống lại tới cùng? Trước mắt, FOTA đang nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số nhân vật trong giới, bởi mọi thông tin đều khẳng định rằng tình hình an ninh ở Bahrain hiện vẫn còn khá nguy hiểm.
Đây cũng là thời điểm mà tính đoàn kết của 11 thành viên FOTA được thử thách (HRT đã rời khỏi tổ chức này hồi tháng 1/2011). Một trong những điểm yếu chí mạng trong tính bền vững của FOTA hiện nằm ở chính chủ tịch của họ. Ông Martin Whitmarsh - ông chủ McLaren - hiện đang có mối quan hệ rất gắn bó với Hoàng gia Bahrain, bởi chính gia đình này đang sở hữu một phần không nhỏ cổ phiếu của McLaren.
FOTA đã tuyên bố sẽ có quyết định chính thức trước thềm Canadian GP. Chúng ta sẽ phải chờ thôi!