Chiến thuật 3 pit đã khiến Jenson Button (phía sau) mất khả năng cạnh tranh vào cuối cuộc đua
Vettel đã làm như thế tại Istanbul Park trong cú vào pit lần thứ 4. Dữ liệu cuộc đua cho thấy điều đó không hoàn toàn cần thiết và anh vẫn có thể giành chiến thắng chỉ với 3 cú vào pit (thậm chí có thể với khoảng cách còn lớn hơn). Thế nhưng, đó là một lựa chọn an toàn.
Vì sao Turkish GP lại có nhiều cú pit? Đương nhiên, đó là quyết định chiến thuật của các đội đua. Thế nhưng phía sau chúng, có một số lý do dẫn tới điều này.
Trước hết, đó là bởi bản thân lốp Pirelli mòn quá nhanh. Nhiệt độ đường đua trong ngày Chủ nhật cũng cao hơn hẳn so với các đợt chạy thử trước đó - khi trời còn có mưa. Vì thế, lốp thậm chí còn mòn nhanh hơn cả dự kiến.
Lý do thứ 2 là bởi đoạn đường pit tại Istanbul Park khá ngắn vì thế các cú vào pit không mất nhiều thời gian như ở các đường đua khác (khoảng 16” so với mức trung bình 21”). Lý do cuối cùng là khúc cua số 8: khi ôm cua ở tốc độ cực cao với gia tốc lên đến 5G, trọng lượng chiếc xe dồn lên 4 bánh xe - đặc biệt là bánh trước bên phải trong trường hợp này - tăng lên nhiều lần so với thông thường. Vì thế, lốp càng bị tàn phá nhanh hơn.
Vì sao chiến thuật 4 pit chiếm ưu thế? Thật ra, rất nhiều đội đua đã chọn chiến thuật 3 pit từ lúc bắt đầu. Tuy nhiên, sau khi cuộc đua chỉ mới diễn ra được chừng 5 vòng, họ đã ngay lập tức nhận ra vấn đề và ồ ạt chuyển sang “kế hoạch B”, với 4 pit. Lý do chỉ có một: lốp mòn quá nhanh. Sự khác biệt giữa chiến thuật 3 pit và 4 pit thể hiện rất rõ trên đường đua, với sự sa sút của Jenson Button - người vẫn duy trì 3 pit do quá tin vào khả năng nâng niu lốp xe của mình. Williams cũng mắc sai lầm tương tự, có điều đây là sai lầm chiến thuật của đội đua.
Một số chuyên gia tiết lộ rằng các mô hình giả lập trước đó đều khẳng định chiến thuật 3 pit sẽ thắng thế tại Istanbul, với thời gian chênh lệch tổng cộng chừng 8”. Thế nhưng thời tiết thay đổi, nhiệt độ thay đổi đã khiến cục diện thay đổi. Trong chặng đua thực tế, chiến thuật 4 pit đã nhanh hơn chiến thuật 3 pit (trong trường hợp của Button là con số khổng lồ 1” mỗi vòng!).
Vì thế, những đội đua tập luyện với chiến thuật 4 pit ngay từ hôm thứ Sáu đều thành công trong ngày Chủ nhật. Trường hợp của Ferrari là một ví dụ điển hình, bởi chiếc 150 Italia của Fernando Alonso được tối ưu hóa cho chiến thuật 4 pit ngay từ đầu, trong khi Felipe Massa lại chuẩn bị cho chiến thuật 3 pit và chỉ chuyển sang 4 pit khi điều kiện bắt buộc phải thế.
Vì sao Button thất bại? Như đã nói ở trên, Jenson Button dùng chiến thuật 3 pit và đã không thành công. Khó khăn lớn nhất cản trở chiến thuật 3 pit tại Istanbul Park chính là khúc cua số 8. Là khúc cua trái rất dài ở tốc độ cao nên nó phá lốp trước bên phải quá nhanh. Button bị mất tốc độ trầm trọng ở khúc cua này khi lốp đã mòn và không còn đủ độ bám.
Trong giai đoạn căng thẳng nhất ở khoảng 10 vòng cuối, Button phải đối mặt với cả Rosberg lẫn Hamilton - những tay đua dùng chiến thuật 4 pit. Mục tiêu của Button lúc đó là cố gắng duy trì lốp, qua đó tận dụng khoảng thời gian 2 tay đua kia vào pit lần cuối để tìm vị trí cao hơn. Thế nhưng, mục tiêu đó đã không thể thành công bởi lốp của anh không đủ sức giúp anh phòng ngự. Sebastien Buemi cũng là một trường hợp tương tự. Với chiến thuật 3 pit và chạy ở vị trí thứ 7 khi cuộc đua chỉ còn lại 4 vòng, nhưng Buemi đã không thể làm gì trước sự tấn công của cả 2 tay đua Renault vốn có lốp mới hơn và đành chấp nhận kết thúc ở vị trí thứ 9.
Cũng cần lưu ý rằng một số đội đua ở nhóm giữa như Toro Rosso và Sauber vẫn tương đối thành công với chiến thuật 3 pit. Lý do là bởi ngoài việc họ không buộc phải “căng mình” ra để đua hết tốc lực như nhóm dẫn đầu thì còn bởi những chiếc xe của 2 đội đua này khá “dịu dàng” với lốp so với các đối thủ khác.