Max Biaggi, tay đua người Ý là nhà vô địch tuyệt đối của năm 2010 và vẫn được coi là ứng viên sáng giá cho mùa giải 2011. Thế nhưng không may cho anh khi mùa này Biaggi bổng chựng lại về phong độ. 8 vòng đua trước anh chỉ thắng có 3 vòng mà mỗi vòng cũng chỉ một chặng chứ không thắng đúp như nhiều trận mùa trước.
Còn trong số các đội đua, bên cạnh Ducati hay Asprilla, nhiều người cho rằng Castrol Honda với tay đua Jonathan Rea được xem là nhân tố có thể gây bất ngờ.
Thế nhưng không may cho Rea. Trong buổi tập trước ngày vào vòng đua phân hạng anh đã bị tái phát chấn thương tay và bị đau lưng.
Đối với một tay đua, đôi bàn tay để điều khiển xe rất quan trọng, còn lưng không bị mỏi chính là đảm bảo cho sự vững vàng trên đường đua. Vậy mà Rea bị đúng vào lúc đội đang cần anh nhất khiến cho bao chờ đợi đành phải lỗi hẹn.
Chính Rea đã tâm sự: “Tôi rất tiếc vì sự cố trước vòng đua. Đây không phải lần đầu mà tôi từng bị sự cố tương tự ở vài vòng trước. Nhưng tôi vẫn hy vọng trở lại ở những vòng sau không phải tìm kiếm danh hiệu cho cá nhân mà thật ra đội đua vẫn sẽ nỗ lực đến cuối cùng để hoàn thành hết 13 vòng đua và giành một thứ hạng khá”.
Sự chia tay của Rea cộng với Haga phong độ không tốt khi cả 2 chặng đua đều bỏ cuộc sau xuất phát, rồi Hopkins, tay đua người Mỹ dẫn đầu ở vòng đua phân hạng dù xuất phát ở vị trí thứ nhất lại sớm đánh mất mình khiến cuộc đua mở ra cơ hội cho nhiều người.
Nhưng tiếc nhất vẫn là niềm hy vọng trẻ Loew chạy rất ngọt ở 6 vòng đầu, từ dưới bứt lên bám theo Biaggi, song khi đến vòng cua thứ 7 lại bất ngờ ngã té trong lúc cố tăng tốc vượt qua Toseland khiến cho cơ hội của anh cũng phải khép lại.
Từ đó vòng đấu trở nên nóng bỏng và hết sức gay cấn bởi cuộc tranh tài chỉ còn giữa các tay đua kỳ cựu như Checa, Biaggi, Haslam với các tay đua mới nhưng đã sớm tỏ ra vững vàng như Melandri, Laverty, Camier...
Ở cả 2 chặng đua, khởi đầu là ưu thế của các tay đua trẻ nhưng khi qua được gần nửa chặng đường (8 vòng) thì tay đua người Tây Ban Nha Checa đã vượt lên để băng băng về đích rất gọn gàng cả 2 chặng. Chiến thắng này gần như đảm bảo cho Checa chạm tay vào cúp vô địch World Superbike.
Carlos Chela (giữa) về nhất tại đường đua Silverstone - Ảnh: Quang Tuyến
Có chứng kiến tại chỗ cuộc đua World Superbike mới thấy thật thú vị. Cách tổ chức chuyên nghiệp, khán giả chen đầy cỗ vũ hào hứng, các đội đua làm việc cật lực, máy móc trang thiết bị tân tiến cho từng chiếc xe đua, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hiểm đến từng tay đua, công nghệ truyền hình trực tiếp đặt xung quanh sân kịp thời hỗ trợ kỹ thuật cho các đội đua, phục vụ hết mình cho người hâm mộ.. là những điều làm nên một cuộc đua hoàn hảo mà Việt Nam sẽ phải còn học hỏi nhiều nếu muốn có một cuộc đua tầm cỡ như vậy.
Đôi điều về giải World Superbike
Giống như các giải đua xe mô tô (phân khối lớn) đã được trực tiếp nhiều trên Star Sport, tổng chiều dài của mỗi cuộc đua ở giải World Superbike là từ 90 - 110 km, được chia làm nhiều vòng tùy theo từng đường đua (như đường đua Silverstone có chiều dài 5,9km/vòng nên các tay đua phải hoàn thành 18 vòng).
Loại xe được sử dụng tại giải này phải có dung tích từ 600 đến 1.000 phân khối - khác hoàn toàn so với loại xe dùng trong các giải Grand Prix, chỉ từ 125 đến 500 phân khối. Hơn nữa, xe đua Grand Prix là loại xe đặc thù được sản xuất chỉ để đua chứ không bán, trong khi ở World Superbike người hâm mộ có thể thấy tất cả các dòng xe của Honda, Suzuki, Yamaha, BMW, Kawasaki, Ducati hay Asprilla giống hệt trên thị trường
Giải World Superbike hàng năm có 13 vòng đua, tính điểm các tay đua qua từng vòng, mỗi vòng có 2 chặng đua, về nhất được 25 điểm , nhì 20 điểm, hạng ba 16 điểm, hạng tư 13 điểm, hạng năm 11 điểm, từ thứ 6 trở đi chỉ hơn nhau 1 điểm.