Monaco luôn là một trong những chặng đua phức tạp nhất nhưng cũng hấp dẫn nhất ở F1 GP
Hiện nay, mọi chuyện đã khác đi đôi chút. Nhờ công nghệ hộp số mới, tay đua vừa cầm lái bằng cả 2 tay vừa thực hiện động tác sang số nhờ vào lẫy chuyển số được gắn trên vô-lăng. Thế nhưng, không vì thế mà các thách thức tại Monaco được giảm bớt. Dù không còn phải bỏ một tay để sang số như trước, cả 2 bàn tay của các tay đua thậm chí còn bận bịu nhiều hơn với hàng chục nút bấm các loại. Ngoài ra, họ vẫn phải thực hiện chính xác mọi cú đánh lái trên đường đua ngoằn ngoèo nhất của giải.
Mercedes đã giải thích kỹ càng hơn về đường đua này và một số chi tiết kỹ thuật khác.
- Thường thì các tay đua vô cùng bận bịu tại Monaco khi phải liên tục điều chỉnh vô-lăng để chiếc xe đi đúng hướng. Chính xác thì họ phải đổi hướng bao nhiêu lần tại đây?
• Tay lái gần như luôn luôn hoạt động tại Monaco - từ các cú đổi hướng mạnh ở các khúc cua cho tới các điều chỉnh cực nhỏ trong suốt đường đua này. Monaco có tới 19 khúc cua có đánh số, nhưng tay đua sẽ phải thực hiện khoảng 130 cú đánh lái để điều chỉnh hướng xe trong mỗi vòng đua.
- Có bao nhiêu phần trăm đường đua này là đường thẳng? • Tính trung bình, vô-lăng sẽ được “nghỉ ngơi” khoảng 10 giây mỗi vòng - tương đương với 13,5% thời gian của một vòng đua.
- Tốc độ của các cuộc đua ở Monaco đã thay đổi ra sao trong vài thập kỷ qua? • Năm 1980, Didier Pironi giành pole với vận tốc trung bình 140,582km/h. Năm ngoái, Mark Webber đạt thành tích tương tự với tốc độ trung bình 162,869km/h. Như vậy, Pironi chậm hơn Webber tới 14%. Ngay cả trong năm 2000, Mika Hakkinen giành pole với vận tốc trung bình 152,651km/h, vẫn chậm hơn 6% so với Webber. Nghĩa là tốc độ của F1 đang ngày càng tăng, cho dù dung tích động cơ đang giảm.
- Có bao nhiêu chức năng điều khiển được gắn lên vô-lăng xe F1 ngày nay? • Tất cả có khoảng 32 chức năng điều khiển, và số lượng của chúng tùy vào thói quen cầm lái của từng tay đua. Chẳng hạn, cả 2 tay đua của Mecerdes đều kiểm soát DRS bằng chân, chứ không phải bằng tay. Về mặt hiển thị, trên vô-lăng có khoảng 10 lựa chọn thông số khác nhau như tốc độ, lượng pin của KERS hay thời gian thực hiện từng đoạn đường đua...
- Chức năng nào được dùng thường xuyên nhất trên vô-lăng? • Đương nhiên đó là lẫy chuyển số. Tại Monaco, số lần chuyển số trung bình trong mỗi vòng đua là 55 lần, tương đương với hơn 4.300 lần chuyển số trong 78 vòng đua của chặng này. Các chức năng khác cũng được dùng tương đối nhiều là DRS và KERS. Ngoài ra, chức năng điều chỉnh vi sai cũng được tay đua thực hiện, dù không liên tục.
- Số lần điều chỉnh mà tay đua phải thực hiện đã thay đổi ra sao so với mùa giải 2010? • Trong cuộc đua phân hạng Monaco 2010, tay đua thực hiện khoảng 50 lần điều chỉnh trên vô-lăng. Năm nay, với DRS và KERS, họ sẽ phải thực hiện thêm khoảng 20 lần điều chỉnh nữa, tăng khoảng 40% khối lượng công việc của tay đua. Trong đó, các cú vào và ra khỏi pit đòi hỏi nhiều công đoạn nhất: nút kiểm soát tốc độ xe, nút kiểm soát KERS, chế độ hòa trộn nhiên liệu, nút liên lạc radio...
- Vậy cụ thể ở mùa giải năm nay, tay đua sẽ phải thực hiện các điều khiển nào trong một vòng đua phân hạng? • Nếu tính tổng cộng các động tác điều khiển của tay đua trong mỗi vòng, con số sẽ rất ấn tượng. 130 lần bẻ lái, 55 lần chuyển số, khoảng 70 lần bấm các loại nút... Tính ra, họ sẽ phải thực hiện tới hơn 200 động tác trong mỗi vòng đua. Đó là còn chưa kể đến việc chân của họ phải hoạt động liên tục và cực kỳ nhạy bén với chân ga và chân phanh.