Tổng cộng Trung Quốc giành 5 HCV, 2 HCB và 7 HCĐ, chỉ sau cường quốc bơi lội Mỹ (16 HCV).
Kình ngư 19 tuổi Sun Yang là một trong những VĐV xuất sắc nhất của giải (anh giành 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ) và là người khép lại một giải đấu hết sức thành công của Trung Quốc bằng việc phá kỷ lục thế giới (KLTG) ở nội dung bơi 1.500m tự do nam tồn tại hơn 10 năm qua của cựu tay bơi người Úc Grant Hackett (14 phút 34,56 giây) với thành tích 14 phút 34,14 giây.
Sun Yang là ngôi sao sáng nhất của bơi lội Trung Quốc hiện nay. Ảnh: Internet
Kỷ lục của Sun Yang là KLTG thứ hai bị phá tại giải cùng kỷ lục của tay bơi Mỹ Ryan Lochte ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân sau khi bộ đồ bơi công nghệ cao bị cấm sử dụng.
Bơi lội Trung Quốc từng có thời vàng son khi thống trị tại giải VĐTG năm 1994 ở Roma, Ý với 12 HCV. Nhưng cũng từ đó, bơi lội Trung Quốc luôn bị ám ảnh bởi vấn nạn doping ở thập niên 1990, mà đỉnh điểm là trước giải VĐTG năm 1998 tại Úc, bốn VĐV Trung Quốc không chịu xét nghiệm doping, còn tay bơi Yuan Yuan bị bắt ngay ở sân bay Sydney với túi đựng chất kích thích.
Sau khi chính phủ mạnh tay quyết tâm làm trong sạch thể thao, thành tích bơi lội của Trung Quốc xuống dốc ở đấu trường quốc tế và chưa bao giờ họ đoạt quá bốn HCV tại một giải VĐTG. Đặc biệt, hai giải liên tiếp vào năm 2005 và 2007 họ không giành được HCV nào. Thế nên việc đoạt 5 HCV ở giải này được nhiều chuyên gia bơi lội thế giới nhận định là “đánh dấu sự trỗi dậy của bơi lội Trung Quốc và hứa hẹn tương lai tươi sáng”.
Thật ra bơi lội Trung Quốc đang hưởng quả ngọt từ lứa VĐV được đào tạo hướng đến Olympic Bắc Kinh 2008. Trung Quốc là quốc gia xếp thứ hai thế giới về số KLTG nắm giữ (8 KLTG), chỉ sau Mỹ (24 KLTG). Và cả tám KLTG của Trung Quốc đều được thiết lập từ năm 2009 đến nay.
Nói về nguyên nhân thành công của bơi lội Trung Quốc, HLV tuyển Trung Quốc Yao Zhengjie cho rằng có hai yếu tố chính: một là tầm vóc VĐV Trung Quốc được cải thiện và hai là thành công của việc gửi VĐV ra nước ngoài đào tạo.
HLV Zhengjie nói với Hãng tin Reuters: “Yếu tố quyết định đầu tiên là vấn đề chiều cao và thể trạng VĐV được cải thiện. Trung Quốc đang sở hữu nhiều tay bơi có chiều cao xấp xỉ 2m. Hãy nhìn vào đội bơi tiếp sức của Trung Quốc, họ ngang ngửa về thể hình khi đứng cạnh đối thủ đến từ phương Tây. Đó là nền tảng cơ bản để chúng tôi đào tạo nên những VĐV không thua kém Mỹ”.
Lý do thứ hai là đầu tư dài hạn cho các VĐV tập huấn ở các cường quốc bơi lội. HLV Zhengjie khẳng định Trung Quốc có nhiều HLV giỏi nhưng khi các VĐV cần lên đẳng cấp thế giới thì họ vẫn phải ra nước ngoài học. Tay bơi Wu Peng là một điển hình thành công của mô hình này. Wu Peng từng hai lần đánh bại Michael Phelps ở nội dung 200m bướm hồi đầu năm, kết thúc chín năm thống trị nội dung sở trường của ngôi sao bơi lội Mỹ này.