Kiến Quốc vẫn là đầu tàu
Ở ĐT bóng bàn VN, Kiến Quốc là tay vợt lớn tuổi nhất. Nhiều người cho rằng với độ tuổi ngoài 30 như Quốc nên nghỉ để cho lớp trẻ lên thay, thế nhưng, bản lĩnh và kinh nghiệm của Kiến Quốc vẫn rất cần cho ĐTQG.
Đoàn Kiến Quốc. Ảnh: Internet
Tại giải VĐQG năm nay, Kiến Quốc không giành được danh hiệu vô địch nào. Thậm chí, tay vợt đang khoác áo CLB Tập đoàn dầu khí này còn để thua các đàn em một cách khá thất vọng. Người hâm mộ cho rằng có thể đã đến thời điểm Quốc “nghỉ hưu” để dành đất diễn cho lớp trẻ, nhưng Quốc đã cho thấy, một tên tuổi lớn luôn tỏa sáng ở những trận đấu lớn, thế là đủ.
Tại giải VĐTG diễn ra tại Hà Lan hồi tháng 5, Kiến Quốc là tay vợt nam duy nhất lọt vào tới vòng đấu chính nội dung đơn nam và đôi nam (cùng Tuấn Quỳnh). Tham dự sân chơi quốc tế mới thấy bản lĩnh và kinh nghiệm của Kiến Quốc quan trọng như thế nào.
Bản lĩnh vững vàng trước các đối thủ được đánh giá cao hơn mình, để có thể tự tin thi đấu và giành chiến thắng. Chỉ kỹ thuật, chiến thuật không thôi thì khó có thể làm nên được kỳ tích. Mà tố chất của một VĐV có đẳng cấp còn phải được thể hiện ở bản lĩnh thi đấu vững vàng. Điều này các tay vợt trẻ của VN ít ai có được. Có lẽ cũng bởi vì thế, mà Quốc từng 2 lần tham dự tại sân chơi Olympic và cùng với Quang Linh tạo nên cuộc lật đổ sự thống trị của các tay vợt Singapore tại SEA Games 25.
“Gừng càng già càng cay”, câu nói này rất đúng với trường hợp của Kiến Quốc. Chắc chắn tại SEA Games năm nay, Quốc vẫn là tay vợt gánh trọng trách lớn nhất của ĐT bóng bàn VN.
Nhưng...
Trưởng đoàn CLB bóng bàn Tập đoàn dầu khí nhiều lần thẳng thắng bày tỏ muốn xin rút Kiến Quốc ra khỏi danh sách ĐTQG. Theo ông Nhiệm, bóng bàn VN không nên quá dựa dẫm vào Quốc mà cần tạo điều kiện cho lớp trẻ. Việc để Kiến Quốc rút lui sẽ ảnh hưởng đến 1, 2 kỳ SEA Games nữa nhưng điều đó là cần thiết để bóng bàn VN có sự kế thừa. Chứ như hiện tại, khi các tay vợt trẻ đang có khát khao cống hiến nhưng chỉ được tham dự ở những giải đấu sân sau, sẽ dần mất đi sự hào hứng, chứ chưa muốn nói là bị thui chột tài năng.
Từ các giải VĐQG, Cây vợt vàng, thậm chí là giải trẻ ĐNA, những gương mặt trẻ như: Văn Nam, Hoàng Chung, Ngọc Tú, Tiến Đạt...đều đã chơi rất xuất sắc. Những nhà quản lý bóng bàn VN luôn cho rằng không có ai đủ sức thay thế các đàn anh, đàn chị cũng bởi bóng bàn VN đang tồn tại một nghịch lý. Muốn có VĐV kế thừa thì quan trọng nhất là bóng bàn VN phải có chiến lược đưa các VĐV trẻ vào tập luyện cùng đội tuyển. Như hiện nay, cả đội tuyển cũng chỉ có 7-8 VĐV, trong khi chúng ta có khá nhiều nhân tố triển vọng, gần tương đương thành phần ĐTQG nhưng lại không được tập luyện ở môi trường tốt. Trong khi đó, như ý kiến của ông Trương Thời Nhiệm, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh 1, 2 kỳ SEA Games để cho các VĐV trẻ thử lửa. ĐTQG là phải có sự đào thải. Còn nếu cứ tiếp tục đuổi theo thành tích như hiện tại, chỉ cần vài năm nữa, các tay vợt trẻ cũng quá tuổi và hết động lực. Thậm chí, thực tế đó đã hiện lên ngày một rõ với việc hàng loạt tay vợt trẻ không lên tuyển.
Bên cạnh việc tạo cơ hội cho các tay vợt trẻ, việc tìm kiếm và đào tạo các VĐV trẻ ở các địa phương cũng ngày càng không được chú ý nên quân số chủ yếu vẫn chỉ ở một vài trung tâm lớn, dẫn tới việc bỏ sót nhân tài rất đáng tiếc.