Thực ra cũng xuất hiện một số cầu thủ trẻ có thể hình lý tưởng như Nguyễn Thị Ngà (1m83) của đội Thông tin, Tuyết Hoa (1m78) và Ái Nga (1m80) của Bình Điền Long An. Dẫu vậy, họ lại chưa thể hiện được khả năng chuyên môn tương xứng với tấm áo tuyển thủ. Trưởng bộ môn bóng chuyền Tổng cục TDTT, Trần Phú Đằng thừa nhận: “Quả là không đơn giản để tìm ra những gương mặt mới và xuất sắc của bóng chuyền nữ ở thời điểm này. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cơ bản là vì các đội chưa thực sự chú trọng đến công tác tuyển chọn và đào tạo cầu thủ trẻ.”
Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ vẫn phải sử dụng các cựu binh. Ảnh: Như Ý.
Không chỉ là vấn đề đào tạo, mà chính căn bệnh thành tích của các đội đã khiến bóng chuyền nữ Việt Nam rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng kế cận. Chạy theo thành tích, các đội trọng dụng cựu binh vốn có “tên tuổi”, cũng như các “ngoại binh”, chứ ít khi mạo hiểm tạo cơ hội cho các VĐV trẻ thi đấu, tích lũy kinh nghiệm.
Với thực trạng này, xem ra ở SEA Games 25 tới đây, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ vẫn phải trông cậy vào các cựu binh vốn đã qua thời kỳ đỉnh cao như Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Ngọc Hoa… Còn cuộc chuyển giao lực lượng của bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chỉ là “mong đợi ngậm ngùi” mà thôi.