NAM GIỚI » Môn khác

Bóng chuyền Việt Nam: Liệu có tạo bất ngờ?

Thứ sáu, 04/11/2011 16:36

Người trong giới bóng chuyền thường nói, chiếc HCV SEA Games giống như “lộc trời”, khéo léo thì được hưởng, còn không thì mãi chỉ như một giấc mơ...

Nam: Ẩn số!

Hào nhoáng, đẩy sân chơi Đông Nam Á trở nên sôi động một chút hồi năm 2007 với cú vượt mặt Thái Lan để về nhì, bóng chuyền nam Việt Nam giờ đã trở lại… vạch xuất phát. 2 năm trước, ông Phùng Công Hưng dẫn đội đi đã vậy, kỳ Đại hội này liệu có khác?

Với việc HLV trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trở lại, đội tuyển bóng chuyền nam được kỳ vọng sẽ chơi khởi sắc hơn, ít nhất là lọt vào Top 3. Chỉ cần thầy trò ông Hùng giải quyết được đối trọng Myanmar là bóng chuyền nam của chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam toàn thua Myanmar cả ở SEA Games 2009, Asian Games 2010 lẫn giải vô địch châu Á 2011. Dù hai mũi công quan trọng nhất là Ngô Văn Kiều và Nguyễn Hữu Hà có bình phục hoàn toàn chấn thương thì đội tuyển nam vẫn được dự đoán sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng giống như đội tuyển nữ, thầy trò ông Mạnh Hùng chọn Trung Quốc làm nơi rèn quân, chuẩn bị cho Sea Games 26. Ông Hùng từng mời đồng nghiệp Trần Minh Khang trở lại làm phụ tá cho mình, nhưng ông Khang lắc đầu. Cần nhắc, cặp bài trùng ấy từng tạo nên bước ngoặt lịch sử cho bóng chuyền nam hồi năm 2007 (đoạt HCB). Dù vậy, dưới bàn tay của “tướng” Hùng, người hiểu và biết phát huy điểm mạnh cũng như là chỗ dựa tinh thần cho các học trò, sẽ là điểm tựa để bóng chuyền nam Việt Nam có thêm hy vọng.

Nữ: Có làm hơn chiếc HCB?

Bóng chuyền nữ Thái Lan vô địch đến 16/17 kỳ Đại hội vừa qua, và gần như không có đối thủ ngang tầm. Đấy là một thực tế, nên cũng chẳng thể trách đội tuyển nữ Việt Nam vì sao nhiều mùa rồi vẫn không hạ được Thái Lan lấy một lần cho thỏa ước nguyện.

Thái Lan đã đạt đến đẳng cấp thế giới (gần nhất xếp hạng 6), từng qua mặt Trung Quốc để vô địch châu Á năm 2009, nên họ có một khoảng cách khá xa so với bóng chuyền khu vực Đông Nam Á. Ngày trước, Thái Lan còn có 2 đối trọng là Việt Nam và Philippines. Giờ đây, chỉ còn mỗi Việt Nam chịu khó đeo bám, mà đeo bám ở thế kém hẳn cả về chuyên môn lẫn cơ hội, vì vậy nếu họ không thắng liên tiếp ở “vùng trũng” mới là điều đáng để bàn.

Thái Lan không đối thủ, và kiểu gì Việt Nam cũng cầm chắc chiếc HCB ở SEA Games 26. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải thận trọng, nhất là khi các chủ công xuất sắc như Đinh Thị Diệu Châu, Phạm Thị Yến hay Bùi Thị Huệ người đã bỏ cuộc chơi, người dính chấn thương triền miên, hoặc không còn sung mãn như trước. Nhiều gương mặt trẻ xuất hiện như Đinh Thị Hương, Nguyễn Thị Xuân, Trà Giang, Thu Hòa… nhưng rõ ràng vẫn phải cố gắng nhiều mới đủ sức gánh vác trách nhiệm mà lứa đàn chị kỳ cựu để lại.

Những điểm nhấn của bóng chuyền Việt Nam

Bóng chuyền nam Việt Nam từng có huy chương ngay lần đầu góp mặt tại Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á lần 1-1959, với chiếc HCĐ. Sau đó, chiếc huy chương của bóng chuyền nam nước ta được nâng cấp lên HCB ở Đại hội lần 3-1965.

Điểm son lớn nhất của bóng chuyền nam Việt Nam là ở SEA Games lần 4-1967, khi lần đầu tiên chúng ta bước lên ngôi vô địch. Năm ấy ở trận chung kết, Việt Nam thắng Thái Lan 3-1 để đoạt HCV. Vậy nhưng cũng như môn bóng đá, đó là chiếc HCV duy nhất của đội tuyển nam nói riêng, và bóng chuyền Việt Nam nói chung cho đến thời điểm này.

Đã 44 năm trôi qua, bóng chuyền nam nước ta mới chỉ đoạt được thành tích cao nhất là HCB tại SEA Games 24. Trong khi thành tích của bóng chuyền nữ dù có nhiều hơn nam, nhưng cũng chỉ dừng ở HCB.

Bongdaplus
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới