Thế nhưng với giới am hiểu chuyên môn, điều cần suy nghĩ phải là làm sao để có thể nhanh chóng rút ngắn khoảng cách có xu hướng ngày càng xa về trình độ chuyên môn giữa VN với Thái Lan.
Bóng chuyền VN cần có bộ mặt tích cực hơn nữa trong khu vực và thế giới. Ảnh: Internet
Sự cách tân đầu tiên trong năm 2011 của Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) là tín hiệu đáng mừng, khi họ sẳn sàng bỏ không ít tiền để thuê chuyên gia nước ngoài huấn luyện cho hai đội tuyển nam, nữ. Có điều dường như đó chỉ là cách giải quyết phần “ngọn” và gần như chắc chắn, các lợi ích thu về sẽ chẳng đáng kể. Vừa qua, khi VFV thử việc hai ông thầy ngoại trong thời hạn hai tháng, người ta cho đó là sự cẩn trọng đúng mực.
Tới lúc VFV thể hiện ý định chỉ có thể ký hợp đồng với chuyên gia người Brasil Augusto của đội tuyển nam đến khi kết thúc SEA Games 26, nhiều người mới ngộ ra: VFV chỉ thực hiện các giải pháp tình thế. Thành ra, dù ông Qiao Yu Chuan có đạt được những kết quả ra sao thì thời hạn tại vị trên chiếc ghế HLV trưởng ở VN của ông thầy người Trung Quốc có lẽ không khác hơn so với người đồng nghiệp Brazil đã buộc phải về nước hơn một tháng trước.
Còn nhớ cách đây không lâu, bóng chuyền nữ Đài Loan vẫn chưa có vị trí đáng kể nào trên bản đồ châu lục. Thế nhưng chỉ cần họ thuê chuyên gia Nhật Bản Mirashi sang tập cho đội tuyển trẻ và ĐTQG một thời gian, kể từ năm 2009, đội tuyển nữ Đài Loan không còn là bại tướng của đội tuyển nữ VN. Quan trọng hơn, họ đã có bước tiến khá dài trong việc trang bị trình độ kỹ thuật cá nhân cho các VĐV và xây dựng nên một lối chơi mang dáng vấp của bóng chuyền hiện đại.
Nhiều người trong giới chuyên môn tỏ ra lo ngại rằng khi thế hệ cầu thủ xuất sắc một thời của BC nữ VN rút lui do gánh nặng tuổi tác, thì phải chăng phía sau của họ là một khoảng trống lớn? Do vậy, điều cần thiết của BCVN trong lúc này là làm sao tạo nên lực đẩy đủ mạnh cho cả đoàn tàu thoát khỏi sức ỳ để có thể chạy nhanh hơn, chứ không chỉ cốt giúp tách bóc mỗi toa “đầu kéo” đi trước.
Muốn thế thì một khi đã mạnh dạn bỏ tiền ra thuê chuyên gia, VFV cần phải có tầm nhìn xa bằng việc hoạch định một chiến lược phát triển lâu dài tương tự như người Đài Loan đã làm, từ đó vạch các bước đi cụ thể nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch một cách căn cơ, hơn là cứ mãi loay hoay với các giải pháp tình thế mang tính đối phó như hiện nay