NAM GIỚI » Môn khác

Cần sớm thành lập quỹ trợ giúp VĐV bị chấn thương

Thứ năm, 08/09/2011 14:04

Thời gian qua, báo chí đưa tin về nhiều trường hợp vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) thể thao sau khi bị chấn thương đã rơi vào tình trạng bi đát, khiến dư luận hết sức bất bình.

Vì vậy, việc thành lập quỹ hỗ trợ VĐV bị chấn thương là điều cần thiết và cần sự tham gia rốt ráo của ngành thể thao cũng như sự ủng hộ của các tổ chức xã hội.

Những chuyện cười ra nước mắt

Câu chuyện về HLV đi nhặt cỏ (Nguyễn Thị Nụ), HLV đi nhặt rác (Vũ Thị Huệ)… sau khi bị chấn thương cho thấy cơ chế đối đãi với những người theo nghiệp thể thao tại VN còn khá nhiều bất cập, thậm chí là vô tình. Nhiều VĐV bị dính chấn thương trong quá trình thi đấu, hay tập luyện đã không được điều trị kịp thời hoặc đến nơi đến chốn cho khỏi dứt điểm mà phải mang theo vết thương dai dẳng. Những VĐV yêu nghề thì cố gắng theo đuổi, còn nếu nặng quá thì đành bỏ nghề do không có tiền để chữa trị.

Đô vật Mẫn Bá Xuân bị chấn thương nặng khi đang thi đấu cho ĐTQG.

Gần đây nhất, dư luận lại ồn ào vụ VĐV Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - niềm tự hào của karate VN – bị “bỏ rơi” do chấn thương khiến nhiều người không khỏi ngao ngán cho nghiệp VĐV. Sau khi báo chí đưa tin, đã có nhiều cá nhân, tổ chức quyên góp để Ánh có tiền điều trị. Chia sẻ trên báo chí, VĐV Nguyệt Ánh chua xót nói rằng, để có chuyện như ngày hôm nay là do chị quá yêu nghề bởi ngày trước khi lựa chọn con đường thể thao, gia đình đã không đồng ý. Cũng có luồng thông tin xác nhận lại rằng, không có chuyện VĐV này bị bỏ rơi như báo chí đưa tin.

Rõ ràng, những chuyện như của VĐV Nguyễn Thị Nguyệt Ánh không phải là mới, mà đã xảy ra rất nhiều trong ngành thể thao VN thời gian qua. Các VĐV là những người chịu thiệt thòi về phần mình khi các chế độ bảo hiểm cho VĐV chưa được đề cao.

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập này được các bên có trách nhiệm với các VĐV, HLV bị chấn thương đưa ra là không có kinh phí điều trị. Các Liên đoàn thể thao cho biết, hiện kinh phí dành cho việc chữa trị chấn thương cho các VĐV còn hạn hẹp. Nếu VĐV bị chấn thương nặng mà không thể chữa trị trong nước thì việc chữa trị ở nước ngoài là gần như không thể nếu không có sự tài trợ. Họ sẽ phải sống chung với những chấn thương dai dẳng đó và chờ cơ hội để được chữa trị dứt điểm.

Chủ động hỗ trợ VĐV

Hiện tại, cơ chế điều trị chấn thương cho VĐV dựa trên bảo hiểm và tự thanh toán (nếu vượt khung bảo hiểm). Trong cả 2 trường hợp này, cơ chế chi trả cho VĐV mang tính tùy biến, dựa vào thành tích của VĐV và mối quan hệ giữa các cơ quan chủ quản gồm các đoàn thể thao của các địa phương, các đoàn thể thao ngành, các Liên đoàn thể thao và Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT).

Chủ trương của Tổng cục TDTT và các Liên đoàn thể thao thời gian qua là để các đoàn thể thao ở các tỉnh/thành mua bảo hiểm cho VĐV trong các sự kiện thể thao diễn ra ở địa phương. Về phần mình, Tổng cục mua bảo hiểm chấn thương khi VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia luyện tập và đặc biệt là khi thi đấu tại các sự kiện thể thao khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, cả 2 cấp này, mức bảo hiểm đều không cao, đặc biệt là đối với các Liên đoàn không nhiều tiềm lực và các địa phương nghèo. Nhiều địa phương thậm chí không còn đủ tiền trả lương cho VĐV, thế nên việc mua bảo hiểm chấn thương khi tập luyện và khi thi đấu cho các VĐV chưa được tính đến.

Ví dụ năm 2008, cầu thủ Thanh Trường (đội hạng Nhì bóng đá nam Nguyễn Hoàng - Kiên Giang) bị sét đánh trong khi thi đấu. Thanh Trường bị chấn thương nặng, sau khi điều trị đã dẫn hồi phục nhưng vẫn bị một số di chứng: Tay chân run, đi lại khó khăn, phải có người dìu, mất khả năng lao động. Sở VH-TT&DL Kiên Giang, đơn vị chủ quản ký hợp đồng lao động với Thanh Trường, lại không đóng bảo hiểm cho cầu thủ này nên ngoài số tiền hỗ trợ khoảng 65 triệu đồng, Thanh Trường không có thêm bất kỳ khoản hỗ trợ nào khác.

Như vậy, việc Tổng cục TDTT chỉ mua bảo hiểm cho VĐV trong quá trình tập trung thi đấu cũng là rất không công bằng với VĐV do nhiều chấn thương, trong đó bao gồm cả những chấn thương nặng, không bộc lộ ngay trong quá trình thi đấu mà phải sau một thời gian. Nếu trường hợp này xảy ra, nhiều VĐV phải tự bỏ tiền ra chữa trị hoặc bỏ nghề do không chứng minh được với công ty bảo hiểm mối liên hệ với thời gian thi đấu cho ĐT.

Từ thực tế trên cho thấy, Tổng cục TDTT cũng như các Liên đoàn thể thao hiện khá bị động trong việc hỗ trợ kinh phí điều trị cho VĐV của mình khi bị chấn thương. Đã đến lúc phải nghĩ tới việc thành lập một quỹ trợ giúp VĐV bị chấn thương với nguồn vốn xã hội hóa,  để giúp các VĐV và HLV yên tâm thi đấu, cống hiến cho thể thao nước nhà.a

TT&VH
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới