NAM GIỚI » Môn khác

Chuyện chỉ có ở Đông Nam Á Đa hệ

Thứ năm, 12/05/2011 16:48

Chẳng phải VĐV “chuyển hệ” nào cũng đạt được thành tích như Tuyết Mai và Duy Nhất.

Tuyết Mai ngày lên ngôi vô địch kick-boxing ở Asian Indoor Games 3 Ảnh: HỒNG LONG

Hệ quả nhìn từ hai phía   Đều có gốc từ võ cổ truyền, Tuyết Mai và Duy Nhất không thành công khi chuyển sang môn quyền Anh bởi sự khác biệt căn bản của hai môn võ này (quyền Anh sở trường bộ tấn trước trong khi võ cổ truyền chú trọng bộ tấn sau). Duy Nhất thậm chí còn đánh sai kỹ thuật khi chuyển sang chơi taekwondo. Đó là hậu quả của việc chỉ trong vòng 5 năm, Duy Nhất luyện tới 4 môn liền, còn Tuyết Mai chuyển sang 2 môn mới với thời gian vỏn vẹn gần 3 tháng. Dân làng võ nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện “tẩu hỏa nhập ma” của võ sĩ H. Anh vốn là cựu võ sĩ karatedo trong đội tuyển trẻ quốc gia. Quá trình luyện võ cổ truyền và pencak silat sau đó khiến H. quên mất căn bản, tới khi quay lại karatedo H. đã phạm luật trong thi đấu (đánh mà không rút tay về). Tình huống bi hài nhất của H. là trong một lần thi đấu môn taekwondo, H. đã giơ tay ra... bắt chân đối thủ. Nghe nói sau tai nạn này H. đã bỏ nghiệp võ sĩ.

Hội nhập thể thao khu vực là quá trình bắt buộc đối với mọi quốc gia mở cửa ở ĐNA. Việc “chuyển hệ” như đã nêu trong bài cũng khó tránh khỏi ở giai đoạn trước mắt, khi vấn đề thành tích kiểu làng xã vẫn còn được nhiều quốc gia ủng hộ. Tuy nhiên ngành thể thao nước nhà cần có chiến lược, sách lược cụ thể để vừa vỗ tay chung vui với láng giềng, vừa giữ cho tài năng thể thao không bị mai một và lãng quên do hậu quả của những “lệ làng”. Trong trường hợp “chuyển hệ” nói trên, đành rằng các môn thể thao sẽ dần được xã hội hóa và tiến tới không sử dụng kinh phí của Nhà nước song liệu có nguồn kinh phí xã hội hóa nào chấp nhận đầu tư theo kiểu “đứt gánh giữa đường” tới vài ba bận, và tương lai của những VĐV “dăm lần đứt gánh” ấy liệu sẽ ra sao khi họ mãi mãi không bao giờ đạt được đỉnh cao của sự nghiệp mà họ theo đuổi thuở ban đầu?

Báo TT TP.HCM