Yang Ce (trái) - VĐV nước ngoài của Tập đoàn DKQG tại Giải Cây vợt Vàng 2010 Ảnh: Dư Hải
Căn bệnh thành tích
Dù phong trào phát triển bóng bàn trên cả nước rất ì ạch nhưng cứ đến giải VĐQG, cuộc đua tranh của các địa phương lại trở nên rất “nóng”. Việc tay vợt lão làng Vũ Mạnh Cường 2 lần liên tiếp tham dự Giải VĐQG trong màu áo của 2 CLB khác nhau ở độ tuổi... 40 khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Cuộc chạy đua giữa các địa phương có truyền thống tranh chấp nhau như Hà Nội, Hải Dương, TPHCM... đã đành. Thế nhưng, ngay cả một số địa phương vốn không phát triển môn bóng bàn cũng có tham vọng thành tích và họ đã phải huy động tất cả cho cuộc đua huy chương mong sao thỏa mãn lợi ích trước mắt. Trong khi đó các đội có tiềm lực tài chính đã thực hiện chính sách “hút máu” nhân tài triệt để. Việc các địa phương “máu” thành tích giúp giải đấu thêm hấp dẫn với sự đua tranh không chỉ tập trung ở 1, 2 đội như mọi năm. Thế nhưng, đằng sau những thành tích ấy, những CLB, địa phương ấy còn gì trong tay? Chẳng khó để trả lời câu hỏi này.
Công tác đào tạo trẻ và chiến lược phát triển gần như bị bỏ bê bởi cách làm “ăn xổi”. Cho nên, bóng bàn đang ngày càng khan hiếm VĐV, đặc biệt là các tài năng trẻ, trong khi môn này vốn thuộc nội dung thi đấu của Olympic. CLB đã vậy, tại ĐTQG cũng luôn tồn tại 1 nghịch lý trong công tác tìm kiếm thế hệ kế thừa. Muốn có VĐV kế thừa thì quan trọng nhất là LĐ BBVN phải có chiến lược đưa các VĐV trẻ vào tập luyện cùng đội tuyển. Như hiện nay, cả đội tuyển cũng chỉ có khoảng chục VĐV trẻ, trong khi chúng ta có khá nhiều nhân tố triển vọng, gần tương đương thành phần ĐTQG nhưng lại không được tập luyện ở môi trường tốt. BBVN cũng phải chấp nhận hy sinh 1, 2 kỳ SEA Games để cho các VĐV trẻ thử lửa. ĐTQG là phải có sự đào thải. Còn nếu cứ tiếp tục đuổi theo thành tích như hiện tại, chỉ cần vài năm nữa, các tay vợt trẻ cũng quá tuổi và hết động lực. Thậm chí, thực tế đó đã hiện lên ngày một rõ với việc hàng loạt tay vợt trẻ không lên tuyển thời gian qua.
Cần ngay 1 quy chế chuyển nhượng
Bóng đá, bóng chuyền, thậm chí xe đạp rơi vào cảnh bát nháo dù đã ban hành quy chế chuyển nhượng VĐV. Việc mua bán VĐV ở bóng bàn mới chỉ manh nha 2, 3 mùa giải gần đây nhưng nó có nguy cơ biến thành 1 cái chợ hỗn loạn, mất kiểm soát thời gian tới.
Chưa có quy chế chuyển nhượng, các CLB chủ yếu đang đi đêm hoặc thỏa thuận với nhau về mức giá cả. Tuy nhiên, không phải cuộc mua bán nào cũng “cơm lành, canh ngọt” bởi nó phải đáp ứng nhiều yếu tố của cả 2 bên. May là đến thời điểm này, vẫn chưa có vụ việc tranh chấp nào đáng chú ý. Thế nhưng không hiểu khi xảy ra tranh chấp, LĐ với vai trò người chủ cuộc chơi sẽ chiếu theo điều lệ, quy định nào để giải quyết?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Giải trẻ VĐQG sắp được tổ chức tới đây, hàng loạt các CLB “đại gia” như HN T&T, TĐ DKQG... sẽ đi tuyển quân bằng chính sách tài chính hùng hậu của mình. Sau giải này, chắc chắn hàng loạt các CLB, địa phương nghèo sẽ “mất trắng” lớp tài năng của họ mà chẳng biết kêu ai.
Một vấn đề cũng rất quan trọng trong quy chế chuyển nhượng chính là có cho phép được sử dụng hay không các ngoại binh. Thực tế, LĐ BBVN đã thử nghiệm rất thành công việc sử dụng ngoại binh ở CLB TĐ DKQG tại giải Cây vợt Vàng 2010. Tuy nhiên, khó khăn là quy định như thế nào về số lượng VĐV ngoại ở trong một đội hình. Bóng bàn khác bóng đá và bóng chuyền là có cả nội dung đơn, đôi và đồng đội. Đây là một bài toán mang tính đặc thù. Ngoài ra, việc thuê VĐV ngoại chẳng khác nào “bóp chết” các địa phương, CLB không dư dả gì tiền, cũng phải có sự tính toán kỹ.
TTK Phạm Đức Thành cho biết, tất cả những việc liên quan đến quy chế chuyển nhượng sẽ được bàn kỹ tại kỳ đại hội mới. Thế nhưng, biết bao giờ đại hội nhiệm kỳ được tổ chức thì chính ông Thành cũng không thể trả lời được.
Xã hội hóa còn hạn chế
Giải VĐQG 2011 chứng kiến sự lên ngôi của các đội bóng doanh nghiệp. Sau sự thành công của Viễn Thông TPHCM, đến lượt HN T&T và mới đây là Tập đoàn DKQG vào cuộc. Sự có mặt của các doanh nghiệp ngay lập tức tạo nên một một bức tranh sáng sủa cho BBVN. Giờ đây, 1 tay vợt hàng đầu như Kiến Quốc có thu nhập như 1 cầu thủ bóng đá không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng, phải thẳng thắn thừa nhận, công tác XHH ở bóng bàn vẫn còn hạn chế, khi mà còn gặp nhiều vướng mắc trong khâu quản lý cũng như trình độ của đội ngũ lãnh đạo. Các doanh nghiệp có thừa độ “máu” nhưng họ lại không được LĐ định hướng rõ ràng, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để 2 bên cùng có lợi. Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc ĐNA cúp VOV năm 2010 là 1 ví dụ rõ nhất trong việc phối hợp chưa tốt giữa LĐ và các doanh nghiệp. Sau khi phía LĐ tư vấn kinh phí tổ chức giải chỉ nằm trong khoảng 1 tỷ đồng nhưng thực tế phát sinh lớn hơn nhiều số đó. Kết quả, do không giải trình được số tiền phụ trội đó nên năm nay, khả năng giải đấu từng gây được tiếng vang lớn này sẽ không được tổ chức.