NAM GIỚI » Môn khác

Cột mốc mới và chuyện của bơi lội Việt Nam

Thứ tư, 18/05/2011 14:05

Không có lời nào diễn tả hết niềm vui sướng của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn khi Quý Phước ghi dấu mốc cho bơi lội VN bằng tấm vé trực tiếp tham dự Olympic 2012.

Hoàng Quý Phước và HLV Nguyễn Đông Hải vừa từ Giải Malaysia mở rộng trở về chiều 17/5 tại sân bay Tân Sơn Nhất Ảnh: HUY TƯỜNG

Mới chỉ có Quý Phước Hoàng Quý Phước đã xuất sắc giành HCV nội dung 100m bướm, không chỉ phá kỷ lục của giải mà vượt chuẩn B của FINA đề ra. Thành tích 53,56 giây của Phước đã vượt 1’’40 so với chuẩn B và đương nhiên có vé tham dự Olympic 2012 bằng cửa chính. Không những vậy, thành tích này mở ra hy vọng kình ngư người Đà Nẵng sẽ giành tấm HCV tại SEA Games 26, điều mà 3 kỳ SEA Games trở lại đây chỉ có Hữu Việt làm được. Thành tích của Phước vượt qua thành tích giành HCV SEA Games 25 của VĐV lão luyện Daniel Bego người Malaysia (53’’82).

Ngoài Quý Phước, những VĐV khác dù đạt thành tích tốt (2 HCV của Võ Thái Nguyên và 1 HCV của Kim Tuyến) nhưng nhìn chung các thành tích ấy đều chưa cao so với thành tích của khu vực. Đặc biệt kình ngư số 1 VN Nguyễn Hữu Việt để lại thất vọng lớn khi bị loại ở nội dung 100m ếch sở trường.

Bơi lội VN đã có Quý Phước để hy vọng tại các giải đấu quốc tế trong tương lai. Thế nhưng chỉ mình Phước là chưa đủ để bơi lội VN có thể hội nhập với thế giới.

Nghịch lý Từ cuối năm 2010 đến nay, kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước chỉ tập luyện tại địa phương và hoàn toàn không tham dự bất kỳ đợt tập huấn nào của bộ môn bơi lặn hay hiệp hội thể thao dưới nước. Thành tích của Phước cho thấy,các VĐV tập luyện tại địa phương lại có cơ hội phát triển hơn khi được tập trung trên tuyển. Không chỉ có Phước, Kim Tuyến cũng được TPHCM giữ lại và có sự thăng tiến rõ rệt, trong khi Hà Nội và Hải Phòng đang rất bức xúc vì 2 kình ngư của mình là Huy Long và Hữu Việt đang ngày càng xuống dốc khi tập luyện trên tuyển.

Về vấn đề này, TTK UB Olympic Hoàng Vĩnh Giang cho biết: “... có tình trạng nhiều HLV chỉ chú trọng cho VĐV “ruột”của họ còn các VĐV khác thì bỏ mặc. Tôi biết có rất nhiều tài năng đã hỏng khi lên tập trung đội tuyển”. Trước thực tế này, ngành thể thao cũng đang tính đến phương án giao các VĐV cho địa phương “chăm sóc” quân của mình. Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng cho biết: “Ở địa phương ngoài kinh phí nhà nước mà các VĐV được hưởng họ còn được địa phương hỗ trợ thêm phụ cấp. Bên cạnh đó việc không phải sống xa nhà, không phải tập huấn nước ngoài dài ngày sẽ giúp các VĐV có được tâm lý ổn định hơn, chuyên tâm vào tập luyện.”. Cũng chung với quan điểm này, ông Giang cho biết, UB Olympic sẽ đề xuất với Tổng cục TDTT về việc để các VĐV ĐTQG được tập ở địa phương. Nếu ở địa phương mà VĐV tăng thành tích tốt thì nhiều đội tuyển không cần tập trung dài ngày nữa. Trong khi đó, kinh phí tập huấn nước ngoài hàng năm cũng sẽ giao cả cho các địa phương, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn cách làm hiện tại.

Báo TT TP.HCM