NAM GIỚI » Môn khác

Đằng sau thành công của Rudisha

Thứ sáu, 23/09/2011 09:40

Đoạt chức vô địch thế giới tại Daegu, kỷ lục gia thế giới 800m David Rudisha xứng đáng là một trong những VĐV điền kinh xuất sắc nhất thế giới hiện nay.

Khi mục sư Colm O’Connel đến Iten (Kenya) vào tháng 7/1976, ông nghĩ rằng mình sẽ không ở đây lâu hơn khoảng thời gian 3 năm mà ông được giao phó. Vậy mà từ đó, ông đã trở thành cư dân thường trú ở Kenya và đã đào tạo cho đất nước này nhiều tài năng sáng chói trong điền kinh.

Bí quyết thành công

Rất nhiều chuyên gia điền kinh đã đến Kenya trong những năm qua để tìm hiểu ông O’Connel đã làm thế nào để đào tạo được những VĐV như Patrick Sang (HCB Olympic 1992 ở 3.000m vượt chướng ngại), Japhet Kimutai, Wilson Kipketer (3 lần vô địch thế giới, cựu kỷ lục gia thế giới của 800m), Janet Jepkosgei (nữ VĐV đoạt chức vô địch thế giới năm 2007) và nhất là David Rudisha. Câu trả lời của ông O’Connel trước những thắc mắc của những chuyên gia này luôn là: “Mọi người đều nghĩ rằng tôi có một bí quyết, nhưng tôi không có bí quyết nào cả”.

David Rudisha. Ảnh: Internet

Dù vậy, người ta vẫn không tin. Đến mức một nhà khoa học Đan Mạch đã đến trường trung học Saint-Patrick - nơi làm việc của ông O’Connel - thu thập các mẫu bột ngô và nước của Kenya rồi đun sôi trong một phòng thí nghiệm ở cao độ tương tự như Iten (2.400m so với mực nước biển). Mục đích của nhà khoa học này là tìm hiểu những đặc điểm của Ugali - một loại thức ăn phổ biến của người Kenya.

Mới đây, vị mục sư trở thành HLV điền kinh này cho biết: “Kinh nghiệm duy nhất về công tác huấn luyện thể thao mà tôi có là huấn luyện những cầu thủ bóng đá trẻ. Khi đến Iten, ngoài những giờ học, tôi cho các em luyện tập thể thao và qua đó tôi nhận ra một điều. Trong đất nước đa sắc tộc này, có một tư tưởng phổ biến rằng chỉ có tộc người Nandis là có thể chạy. Tôi đã làm thay đổi tư tưởng này bằng cách lựa chọn những học sinh, cả nam lẫn nữ, của những sắc tộc lân cận như Keyo, Kipsiki, Marakwet và giúp họ tập chạy. Dần dần, tôi chú ý đến những sắc tộc ở xa hơn, như tộc Masai của Rudisha”. Sau khi đã thành công với Rudisha, ông O’Connel đang tìm kiếm một nữ VĐV cũng thuộc tộc Masai để đào tạo.  

VĐV quan trọng hơn các phương pháp

Sớm hay muộn, vị HLV 61 tuổi này sẽ đạt được mục đích vì ông không bỏ lỡ cơ hội theo dõi bất kỳ cuộc tranh tài nào ở các trường học trong khu vực. Bằng cách đó, ông đã phát hiện Rudisha vào năm 2004. Thành công của ông trong trường hợp Rudisha không phải là điều may mắn. Ông O’Connel  cho biết: “Nếu tôi chủ ý tìm một VĐV 800m, tôi sẽ không bao giờ phát hiện ra David. Ở bậc tiểu học, cậu ấy chỉ chạy 200m hoặc 400m”. Ông đã đề nghị bố mẹ David để anh học tập và sinh sống dưới sự dẫn dắt của ông ở Saint-Patrick. Tại đó, đến năm Rudisha 16 tuổi, ông mới bắt đầu cho anh luyện tập ở cự ly 800m.

Theo HLV O’Connel, phương pháp luyện tập của ông không có gì đặc biệt. Ông nói: “Tôi thu thập kiến thức từ những cuốn sách, từ các lời khuyên của những người đi trước hay của các HLV đến đây dự những cuộc hội thảo. Điều quan trọng nhất là tôi biết cách thích ứng. Ngoài ra, trên cả các phương pháp, các kỹ thuật và trên cả khoa học là các VĐV. Nếu quên điều đó, tất cả các phương pháp đều trở nên vô ích”. Ông O’Connel càng thành công, ngôi vườn phía sau trường Saint-Patrick càng dày thêm. Mỗi cây trong ngôi vườn này đều được trồng bởi một nhà vô địch đã được ông phát hiện và đào tạo. Bên dưới mỗi cây, đều có một tấm biển nhỏ ghi tên người trồng. Ở đó, bây giờ đã có một cái cây và một tấm biển đề tên David Rudisha.

Báo Thể thao TPHCM
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới