NAM GIỚI » Môn khác

Đấu kiếm Việt Nam và những khó khăn đang chờ đợi

Thứ ba, 20/09/2011 08:43

Nhiều nhà chuyên môn thừa nhận, đấu kiếm Việt Nam ở thời điểm này không còn “sung” như 6 – 7 năm về trước do một số VĐV kỳ cựu đã nghỉ.

Số người thuộc “thế hệ vàng” còn sót lại nay đã ở bên kia sườn đốc. Lực lượng trẻ chưa đủ sức kế cận ngay. Vì thế, dù vẫn được đánh giá cao ở đấu trường SEA Games 26 nhưng nhiều khó khăn đang chờ đợi đấu kiếm Việt Nam.

Đấu kiếm Việt Nam cần tăng cường cọ xát ở đấu trường quốc tế. Ảnh: Vov.vn

Chưa tìm lại được hào quang ở đấu trường châu lục

Trước khi lên đường sang Indonesia vào tháng 11 tới, giữa tháng 7, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã có đợt tham dự giải vô địch châu Á, tổ chức tại Seoul Hàn Quốc. Cử đến 10 VĐV tinh nhuệ nhất ở đội đấu kiếm quốc gia hiện nay, nhưng thành tích cao nhất mà đội có được tại giải là vị trí thứ 14 nội dung cá nhân kiếm ba cạnh nam của Nguyễn Tiến Nhật (TP HCM) và Nguyễn Thị Lệ Dung, hạng 1 kiếm chém nữ.

Vậy là đã 6 năm trôi qua, kể từ khi đấu kiếm Việt Nam giành được tấm HCĐ giải vô địch trẻ châu Á, nội dung đồng đội nữ kiếm chém, giấc mơ giành huy chương châu lục, cao hơn là Olympic vẫn chưa thành hiện thực. Có người bảo là các tay kiếm Việt Nam không gặp may và thường để vuột cơ hội, nhưng nếu nhìn vào thực tế dễ dàng nhận thấy, thực lực của VĐV chúng ta không còn sung như mấy năm trước.

Thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng chính là sự đầu tư cho đấu kiếm gần đây cũng “hẻo” hơn xưa. 6 – 7 năm về trước không riêng các VĐV mà khán giả Thủ đô đã nô nức đến Cung Thể thao Quần Ngựa và Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức xem các tay kiếm Việt Nam cọ xát với các VĐV hàng đầu thế giới ở giải hạng A. Thậm chí có lần Hà Nội và Tổng cục TDTT còn “kéo” được cả giải Grand Prix về tổ chức (tháng 5/2006), nhưng 4 – 5 năm nay thì bỏ hẳn đăng cai các giải này vì không có kinh phí. Môn này hiện nay hầu như chỉ trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước và sự hỗ trợ của các địa phương, đặc biệt là Hà Nội. Chính vì vậy gần đây, các VĐV đấu kiếm, dù đã được tập tại cơ sở khang trang trong Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội và không còn rơi vào cảnh đi thuê nhà tập chật chội như nhiều năm trước nhưng vẫn thiếu cơ hội cọ xát, tập huấn quốc tế.

Cựu HLV đội tuyển đấu kiếm quốc gia, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, hằng năm, hệ thống giải quốc tế chính thống do Liên đoàn Đấu kiếm thế giới và châu lục tổ chức là gần 50 giải, Việt Nam chỉ tham gia được trung bình 3 – 4 giải. Từ đầu năm 2011 đến nay, một số tuyển thủ đấu kiếm mới có cơ hội dự 3 giải: Grand Prix (4VĐV) và giải vô địch chặng (nằm trong khuôn khổ giải VĐ toàn quốc của Trung Quốc) vào tháng 6 và vô địch châu Á (tháng 7). Ngoài ra, nhờ có sự đầu tư của Hà Nội, tháng 6 vừa qua, một số VĐV được đi tập huấn tại Trung Quốc.

Vẫn hy vọng giành vé

Trưởng bộ môn đấu kiếm, Tổng cục TDTT ông Phùng Lê Quang cho biết, tại SEA Games 26, đấu kiếm Việt Nam dự kiến sẽ cử lực lượng dự đủ 12 nội dung được tổ chức tại Đại hội. Tuy nhiên, hiện tại “thế hệ vàng” như: Đỗ Hữu Cường (ĐKVĐ SEA Games 24 nội dung kiếm 3 cạnh nam), Nguyễn Lê Bá Quang (nay đã chuyển sang làm công tác huấn luyện ở đội tuyển quốc gia), Nguyễn Thị Thủy Chung, Nguyễn Thị Lý (kiếm chém nữ), Hạ Thị Sen… đã nghỉ thi đấu. Lực lượng trẻ vẫn chưa phát hiện được nhiều nhân tố mới đủ sức kế cận. Vì vậy, việc cạnh tranh huy chương sẽ khó khăn.

Dù vậy, ông Quang cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự quyết tâm cao của các VĐV. Về phía bộ môn vẫn mạnh dạn đăng ký mục tiêu phấn đấu có VĐV lọt vào tranh chung kết 4 trận và bảo vệ được thành tích 2 HCV và các thành tích bạc, đồng đã đạt được ở SEA Games 24 tổ chức ở Thái Lan 4 năm trước. Để củng cố thêm sức mạnh cho đội tuyển, kể từ tháng 4 vừa qua, Tổng cục TDTT đã mời chuyên gia Sergei Dvorni, người Nga, vốn là một trong những VĐV có tiếng về kiếm liễu sang tham gia huấn luyện đội kiếm liễu. Hà Nội hiện nay cũng mời 2 chuyên gia Trung Quốc.

Riêng về Olympic London 2012, theo ông Quang, môn đấu kiếm tại Thế vận hội tới sẽ có tổng cộng 204 VĐV (102 nam) tham dự. Các cuộc đấu tính điểm đã tổ chức rải rác ở nhiều giải đấu gần đây, nhưng đấu kiếm Việt Nam chủ yếu sẽ trông đợi giành vé tham dự tại vòng đấu loại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức vào tháng 4/2012. Hai nội dung cá nhân kiếm chém nữ và và ba cạnh nam kỳ vọng hơn cả.

VOC.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới