NAM GIỚI » Môn khác

Dị biệt của bóng chuyền VN

Thứ hai, 30/05/2011 11:14

Phải nói là dị biệt mà không là khác biệt khi môi trường bóng chuyền VN tồn tại điều luật không giống ai: cho phép VĐV một năm được khoác áo hai CLB ở hai hạng khác nhau.

Với việc tăng cường chủ công Wang Bin (18), Maseco TP.HCM quyết tâm thăng hạng ở mùa bóng này - Ảnh: Trung Dân

Việc cho phép VĐV ở hạng cao hơn xuống thi đấu cho CLB hạng thấp để lấy thành tích, hoặc giúp CLB này thăng hạng là điều rất bất lợi cho sự phát triển của bóng chuyền VN. Việc một VĐV một mùa khoác áo hai CLB ở cấp độ khác nhau là phi lý, trừ trường hợp VĐV này đã chuyển sang CLB ở hạng dưới.

Nói bằng tinh thần thượng võ, hành vi ấy xem ra không hợp đạo lý chút nào. Ai cũng biết ở các môn võ hay cử tạ, VĐV ở hạng cân nào sẽ phải thi đấu hạng cân ấy. Bóng chuyền hay nhiều môn khác cũng thế, đánh lên hạng thì được song đánh xuống hạng là không nên, trừ khi VĐV đó không còn khả năng đáp ứng về chuyên môn khi đấu ở hạng trên.

Nếu cho rằng việc này nhằm tạo cơ hội cho VĐV tăng thu nhập như phát biểu của đại diện Liên đoàn Bóng chuyền VN tại cuộc họp báo ở mùa giải này là điều không chấp nhận được, bởi đó là cách tăng thu nhập thiếu đạo lý.

Còn nói là cách tạo điều kiện để VĐV có cơ hội cọ xát cũng sai, bởi cọ xát với đối thủ ngang tầm hay trên cơ mới có ích, chứ đi đánh thuê cho CLB “đàn em” thì sẽ học được gì? Thử tưởng tượng một CLB nào đó thuê VĐV hạng trên xuống đánh hạng dưới, sau khi đội lên hạng thì mùa sau họ lấy đâu ra cầu thủ thi đấu? Hay lúc đó lại thuê tiếp VĐV khác để rồi rơi vào cái vòng luẩn quẩn thiếu VĐV - thuê mướn VĐV rồi lại thiếu quân.

Tham vọng lên hạng vốn dễ dãi với nhiều ông bầu song điều này không đồng nghĩa với cách làm theo kiểu “hớt váng” như trên. Cách làm ấy có khác gì lưỡi hái gạt ra ngoài nhiều gương mặt trẻ đang cần được cọ xát phấn đấu, khi họ sẽ bị các “lính đánh thuê” ở hạng trên đưa ra ngồi ở ghế dự bị.

Liên đoàn Bóng chuyền VN từng “lớn tiếng” về việc đào tạo trẻ, về sự khan hiếm tài năng trẻ, kêu ca về sự ra đi của một thế hệ VĐV bắt đầu xuống phong độ, nhưng lại chấp nhận một điều luật làm giảm cơ hội vươn lên của nhiều VĐV trẻ. Còn nữa, cách làm thể thao đỉnh cao theo phương châm xã hội hóa là tốt. Song cách xã hội hóa nói trên cần được điều chỉnh theo đúng quy luật phát triển của thể thao: đào tạo và hái quả ngọt từ sự đào tạo ấy.

Tuổi trẻ
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới