NAM GIỚI » Môn khác

Duyên nghiệp lận đận của kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn

Thứ ba, 16/08/2011 14:21

Cùng với Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn là 2 bậc kỳ tài của làng cờ vua Việt Nam, nhưng thành quả họ đạt được lại rất khác nhau dù đi chung trên con đường hướng ra đỉnh cao thế giới.

Nhanh… mà chậm

Trong làng cờ vua Việt Nam, Nguyễn Ngọc Trường Sơn là kỳ thủ có được xuất phát điểm rất nhanh và tiềm năng vươn cao từ rất sớm. Sơn biết chơi cờ khi mới lên 3 tuổi. 8 tuổi đã thi đấu cho cờ vua Kiên Giang tại đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Đến năm 10 tuổi, anh gây sửng sốt cho tất cả khi đoạt chức vô địch U-10 thế giới. Đây là điều chưa kỳ thủ nào ở Việt Nam làm được. Đến năm 14 tuổi, Nguyễn Ngọc Trường Sơn trở thành 1 trong những kỳ thủ trẻ tuổi nhất từ trước đến nay đạt chuẩn Đại kiện tướng quốc tế của Liên đoàn cờ vua quốc tế, FIDE.

Lê Quang Liêm và Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Ảnh: Internet

So với người bạn cùng lứa là Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn có xuất phát điểm tốt hơn hẳn. Mãi đến năm 14 tuổi, Liêm mới đoạt được chức vô địch châu Á và thế giới. Đến năm 2006, Liêm mới đạt chuẩn đại kiện tướng quốc tế. Anh chỉ thật sự tăng tốc đến chóng mặt trong 2 năm gần đây khi bảo lưu kết quả tại trường Đại học Sài Gòn để chuyên tâm theo nghiệp. Thành quả Liêm đạt được hôm nay là kết quả xứng đáng của cho một quá trình đầu tư kiên trì, tốn kém của gia đình và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Lê Quang Liêm.

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Trường Sơn sau bước khởi đầu nhanh chóng lại ngày càng xuống dốc. Nguyên nhân thì có nhiều, đến từ chính bản thân anh, nhưng cái chính là việc đầu tư không đúng mức của ngành thể thao Kiên Giang, cũng như những khó khăn của cuộc sống gia đình. Trong khi Quang Liêm tham dự rất nhiều các giải quốc tế hằng năm thì Trường Sơn chỉ quanh năm suốt tháng tập chay tại Trung tâm Huấn luyện quốc gia Thủ Đức, TP.HCM. Thế nên, sức cờ Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã xuống và cách rất xa so với Lê Quang Liêm

Cơ hội vươn cao vẫn còn

Một chuyên gia đã tính rằng, để Sơn được như Liêm thì anh cần khoảng 30.000 USD để tham dự khoảng 10 giải quốc tế hằng năm. Số tiền không quá lớn, nhưng đơn vị chủ quản Kiên Giang lại không "bói" ra được, khiến tài năng của Sơn đang bị lãng phí. Tuy nhiên cơ hội để Sơn vươn lên đỉnh cao quốc tế vẫn còn nguyên.

Sơn năm nay mới 21 tuổi, độ tuổi sung sức để có thể tăng tốc phát triển. Thực tế, Sơn là kỳ thủ có “tố chất” đặc biệt của cờ vua Việt Nam lại có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Sức cờ của anh hoàn toàn có thể lọt vào top 100. Nói đâu xa, tại giải Aeroflot năm 2010, Sơn cùng với Liêm dẫn đầu cho đến tận ván cuối cùng. Chỉ vì thua ván cuối mà anh không thể tranh được chức vô địch với Liêm và rơi xuống hạng 5 dù có cùng 6 điểm với người đứng hạng 3 chung cuộc.

Một điểm có thể xem là hạn chế của Sơn là anh quá…cá tính, đôi lúc quá cực đoan. Hai năm nay anh đều không thi đấu tại giải vô địch quốc gia vì cho rằng nó không giúp gì được về chuyên môn. Kể cả khi nhàn rỗi, Sơn cũng không tham gia một số giải đấu đầu năm nay mà chỉ tập chay một mình. Chí ít, khi thi đấu anh cũng lấy lại nhịp cờ thay cho việc tập chay suốt mấy tháng trời. Nó xuất phát từ vấn đề tâm lý khi sự đổ vỡ của gia đình khiến anh phải mất một thời gian dài mới lấy lại cân bằng. Điều đó khiến Sơn nhiều lúc tỏ ra rất chán nản và muốn “xù lông nhím” với tất cả mọi thứ với suy nghĩ “mỗi người có một quan điểm” riêng.

Như Sơn đã từng nói: “Mỗi người không thể tự chọn nơi mình sinh ra” khi đề cập đến thành công của Lê Quang Liêm và so sánh với bản thân mình. Điều đó đúng, nhưng nghịch cảnh chỉ là một trong nhiều yếu tố để đưa đến thành công. Để “thần đồng” vươn cao đúng với tiềm năng đang có, Nguyễn Ngọc Trường Sơn sẽ phải tự cứu lấy mình.

Thắng được thần tượng: thần tượng của Nguyễn Ngọc Trường Sơn chính là huyền thoại Anatoly Karpov, người từng vô địch thế giới từ năm 1975-1985 và 1993-1999. Ông cùng với Gary Kasparov tạo nên một trong những cặp địch thủ hay nhất mọi thời đại của làng cờ vua thế giới. Tại giải cờ nhanh quốc tế Cap d’Agde (Pháp) vào cuối năm 2010, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã giành chiến thắng thuyết phục trước Karpov. Đây là điều không phải ngôi sao nào cũng làm được.

Đích danh thần đồng: Tên thân mật của Sơn ở nhà lúc nhỏ là Tôm. Mới 2 tuổi rưỡi, Nguyễn Ngọc Trường Sơn đã thuộc nhẵn bảng chữ cái. Lên 3 tuổi thì biết đánh cờ và tính nhẩm cộng, trừ rất nhanh nhẹn. Sư phụ đầu tiên của anh chính là cha mẹ. Một lần thấy cha mẹ đánh cờ, Sơn đã đứng chỉ cho mẹ…và kết quả là ba thua. Khi đó, Sơn mới chỉ 4 tuổi.

Từng suýt nửa đường đứt gánh: Khi nhỏ Sơn học rất giỏi, vì thế các thầy giáo trong trường liên tục bắt anh đi thi học sinh giỏi lấy thành tích. Bản thân cha mẹ của Sơn cũng muốn Sơn lo chuyện học bởi thấy tương lai quá mờ mịt. Tuy nhiên, thầy Trịnh Hoàng Cường đã thuyết phục thành công ba của Sơn để anh tiếp tục theo nghiệp cờ. Thời điểm đó là tháng 7/1997 khi Sơn mới có 7 tuổi.

Kỳ thủ trẻ thứ hai được phong đại kiện tướng quốc tế: VĐV quê Kiên Giang này sinh ngày 23/2/1990, và hội đủ điều kiện để được phong cấp đại kiện tướng quốc tế vào tháng 12/2004, lúc 14 tuổi 10 tháng, chỉ đứng sau kỳ thủ người Pháp Etienne Bacrot (nhận danh hiệu cao quý khi mới 14 tuổi 2 tháng).

Mối tình “đũa lệch” với Phạm Lê Thảo Nguyên: Bạn gái của Nguyễn Ngọc Trường Sơn hiện nay là kỳ thủ nữ Phạm Lê Thảo Nguyên, kỳ thủ vừa được FIDE đặc cách phong làm đại kiện tướng quốc tế với elo 2359 và đang đứng 100 trong danh sách những kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới (theo bảng xếp hạng của FIDE tháng 7/2011). Điều đáng chú ý là Thảo Nguyên hơn Sơn đến 3 tuổi (sinh năm 1987) và là cử nhân marketing của Đại học Cần Thơ.

Thời điểm giữa năm 2010, Sơn đạt elo 2642, chỉ cách top 100 thế giới đúng 1 elo và đứng thứ 9 trên bảng xếp hạng những kỳ thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện tại elo của anh đã giảm xuống còn 2637, đứng thứ 114 trên bảng xếp hạng thế giới. Trong khi đó, Lê Quang Liêm đang đứng vị trí 27 thế giới với elo 2715 và đứng thứ 1 trên bảng xếp hạng những kỳ thủ trẻ.

Zing.vn
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới