NAM GIỚI » Môn khác

Hậu trường quyền anh: Nhọc nhằn mưu sinh

Thứ sáu, 12/08/2011 14:51

Quyền Anh là môn thể thao được ưu chuộng trên toàn thế giới hiện nay. Nhưng những ai đã dấn thân vào quyền Anh, tự biết sẽ tìm thấy sự đam mê cùng cực của môn thể thao này.

Điều đó lý giải tại sao khi bộ môn võ thuật này bị tạm ngưng hoạt động cuối năm 1994, đại đa số anh em võ sĩ vẫn theo đuổi niềm đam mê bằng việc chuyển sang các môn võ thuật tương tự để chờ ngày trở lại võ đài, hoặc vất vả với những nghề tay trái để nuôi dưỡng môn thể thao đam mê của mình.

Trọng tài Phan Văn Sáu (Trắng). Ảnh: Internet

Đó là HLV Phan Văn Sáu của quyền Anh Quân đội. Xuất thân trong gia đình có truyền thống quyền Anh (bố là cựu võ sĩ Minh Thành nổi tiếng miền Nam trước giải phóng, em là tay đấm khét tiếng Phan Văn Mười), Văn Sáu đến với quyền Anh từ khi còn nhỏ. Với năng khiếu bẩm sinh, Văn Sáu đã khá thành công với nhiều danh hiệu vinh quang trên võ đài. Sau khi quyền Anh bị ngưng hoạt động, anh đã mở một cửa hàng gia công sắt, thép tại gia. Thế nhưng, khi quyền Anh được phép hoạt động trở lại (4/2002), cửa hàng sắt thép nhanh chóng đóng cửa bởi anh cứ tham gia các giải quốc gia triền miên nên không thể duy trì được công việc. Cũng với lý do quyền Anh tạm ngưng, cựu võ sĩ Hà Nội Lê Hồng Thoại phải làm đủ mọi nghề, từ nuôi cá cảnh, gà chọi, thậm chí chạy xe ôm để mưu sinh. Giờ đây, vừa phụ giúp vợ với gánh bún chả mùa hè, nồi phở Bắc mùa đông lạnh lẽo, tranh thủ công việc bảo vệ tại một quán bar ca nhạc, Hồng Thoại có thêm nhiều điều kiện để giúp các học trò tại CLB quyền Anh của một quận thuộc Hà Nội trau dồi thêm những cú đấm của mình.

Sinh năm 1967, lẽ ra cậu bé Nguyễn Văn Nghĩa đã theo nghiệp bóng đá của bố mình (hậu vệ Nguyễn Văn Chữ, cựu cầu thủ Than Quang Ninh, sau đó chuyển về Thanh niên Hà Nội, tiền thân của CAHN sau này) khi đang là hậu vệ cừ khôi của tuyển trẻ Thanh niên Hà Nội. Tuy vậy, từ một cầu thủ bóng đá, Văn Nghĩa đã trở thành tay đấm nổi tiếng của quyền Anh Việt Nam giữa thập niên 80 khi một lần tình cờ đeo vào đôi găng tay và cảm thấy hứng thú ngay. Từ năm 1985 đến 1987, anh liên tiếp giành ngôi vô địch toàn quốc và vô địch Đông Dương hạng cân -51kg. Quãng thời gian khá dài khi quyền Anh bị cấm hoạt động, Văn Nghĩa đã phải mưu sinh bằng nghề... thợ may. Được chủ tiệm may quần áo veston Phú Hưng nổi tiếng Hà Nội đào tạo, từ đôi tay rắn chắc của tay đấm bốc, Văn Nghĩa lại trở nên mềm mại trong từng đường chỉ sắc nét. Dạo chuẩn bị cho SEA Games 22, Văn Nghĩa đã đích thân may toàn bộ trang phục cho đội ngũ trọng tài quốc tế điều hành giải. Tuy nhiên, chính vì phải gắn bó với nghiệp quyền Anh, anh đã không thể theo đuổi nổi nghề thợ may đòi hỏi phải luôn ngồi một chỗ. Và thế là, từ anh chàng thợ may khéo léo, anh đã trở thành một ông chủ của cửa hàng băng đĩa nhạc.

Hay như chuyện đời của cựu võ sĩ quyền Anh, nguyên Trưởng bộ môn quyền Anh UB TDTT (nay là Tổng cục TDTT) và hiện là Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng, ít ai biết ngày đó ông đã cực khổ bắt ốc tại Hồ Tây từ cái lạnh cắt da cắt thịt tới cái nóng hừng hực của mùa hè đất Bắc để mưu sinh và để theo đuổi nghiệp thể thao của mình. Qua câu chuyện, tôi hiểu vì sao ông lại đồng cảm trước những nỗi khổ cực của anh em trong bộ môn khi “móc hầu bao” gia đình để tạo điều kiện cho anh em trong bộ môn nâng cao nghiệp vụ, phát triển phong trào.

Mỗi người mỗi cảnh, tựu trung một niềm đam mê được đánh đổi bởi những tháng ngày cơ hàn để theo đuổi môn thể thao yêu mến của mình. Ngày hôm qua, người ta lại thấy đại đa số tề tựu tại Lễ khai mạc Giải VĐ quyền Anh nam toàn quốc lần thứ 10 diễn ra tại NTĐ Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 QK7 (TPHCM). Những dịp như thế, những nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh thường nhật đã nhường hẳn cho những cái bắt tay, những câu chuyện rôm rả, những buổi trao đổi chuyên môn mà bình thường tất cả không có mấy điều kiện để gặp gỡ thường xuyên.

Báo Thể thao TPHCM
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới