CLB Kensyokai Red Hearts (Nhật, trái) gây thất vọng với đội hình quá yếu - Ảnh: Nga Nguyễn
Cái hay đầu tiên là sự hiện diện của một đội Iran hoàn toàn khác hẳn những gì họ từng thể hiện ở những giải trước đây. Tự tin khi triển khai các quả đánh nhanh, sau vạch 3m khá nhuyễn trên nền tảng thể lực dồi dào và kỹ thuật cơ bản, việc họ xếp trên hai đội Indonesia và Philippines là điều dễ hiểu.
Kế đến là Kazakhstan. Với bốn cầu thủ cao xấp xỉ 1,90m, lối đánh tích cực của Kazakhstan giúp họ thắng CLB Thiên Tân (Trung Quốc) 3-2 và nhiều khả năng vào tốp 3. ĐKVĐ SEA Games Thái Lan trình làng một đội hình mang tính kế thừa rất đáng nể. Ngoài những hảo thủ cựu binh như Onuma, Wilavan, Malika, Pleumjit, Notshara... nay họ có thêm bốn cầu thủ trẻ giàu tiềm năng. Ngoài ra, HLV trưởng Kitipon cũng có những bài khởi động mới, hiệu quả cho đội. Cái hay của người Thái là chỉ chơi vừa sức để có dịp rèn luyện cho các tay đánh trẻ, mặt khác vẫn đảm bảo chiến thắng.
Do năm nay có SEA Games nên Philippines và Indonesia cùng ĐKVĐ Thái Lan đều đem đội tuyển đến dự giải. Trong khi đó, tuyển nữ VN lại bỏ qua cơ hội này. Một điều thật đáng tiếc khi đội tuyển nữ VN đang có những vấn đề về chuyên môn và lực lượng.
Và sự thất vọng cuối cùng chính là đại biểu đến từ Nhật Bản: CLB Kensyokai Red Hearts. Là đội bóng của quốc gia đang đứng hạng ba thế giới về bóng chuyền nữ (sau Brazil và Mỹ) nhưng họ để thua Thông Tin LienVietBank (VN - xếp hạng 101 thế giới) 0-3 rất dễ dàng trước sự bất lực của chủ công 40 tuổi Taniguchi và đồng đội. Lần đầu tiên khán giả VN có thể thấy một đại biểu từ Nhật Bản thi đấu với tâm thế của kẻ yếu trước các cô gái VN, trong khi họ háo hức chờ xem màn trình diễn của những cầu thủ có đẳng cấp cỡ Takeshita, Maori, Ojano... ngày nào.
Từ đây câu hỏi: Làm gì để giữ được danh giá và thương hiệu của sân chơi này đang được đặt ra trước những người có trách nhiệm của bóng chuyền VN.