“Vì bố, em phải bơi thật nhanh”
Hai ngày sau chiến tích mang tính lịch sử của bơi lội Việt Nam mà Quý Phước vừa thiết lập, tôi gặp kình ngư này tại Trung tâm bơi lội Đà Nẵng. Không khỏi ngạc nhiên bởi đằng sau niềm vui chiến thắng là phảng phất nỗi buồn khó tả trong giọng nói của Phước.
Vừa dõi theo đồng đội tập luyện, Quý Phước vừa kể lại thành tích vang dội tại giải Malaysia mở rộng - nhờ đó đoạt suất dự Olympic London 2012 - với giọng ngắt quãng và đặc quánh nỗi buồn. “Vẻ vang là thế, sao em lại buồn quá vậy?”, tôi thắc mắc.
Ngồi kế bên, HLV Nguyễn Tấn Quảng nói đỡ cho cậu học trò cưng: “Bố Phước vừa mất. Mấy hôm liền khi trở về Đà Nẵng, nó cứ ngẩn ngơ như mất hồn vậy đó”. Rồi Phước kể rằng, lúc đạt được vinh quang buồn nhất là không có bố bên cạnh. “Ngày mới học bơi lội, bố mẹ là chỗ dựa, ủng hộ hết mình cho em đi theo nghiệp này. Hồi em 10 tuổi, chưa ăn ở tập trung như bây giờ nên ngày nào bố mẹ cũng thay nhau chở em tới trung tâm bơi lội Đà Nẵng để tập luyện. Những buổi trưa nắng chang chang, bố vừa đưa anh chị đi học, vừa tranh thủ dọn hàng cho mẹ ngoài chợ, rồi lại tất bật về nhà đèo em đến hồ bơi. Em biết bố hy vọng vào em nhiều lắm nên phải cố gắng tập tành cho tử tế. Giờ bố mất rồi, chẳng thể ở bên cạnh em chia sẻ niềm vui”.
Bố Phước mất khi em đang tập huấn ở Nam Ninh (Trung Quốc) hồi cuối tháng 12/2008. Lúc biết tin buồn, BHL không nói thẳng với Phước mà chỉ bảo rằng em về nhà gấp có chuyện. Lập tức Phước được HLV của mình đưa về nước, với chặng hành trình di chuyển bằng đường bộ từ Nam Ninh về Đà Nẵng. Đi đường mệt mỏi nhưng Phước vui lắm. Có lẽ do phải đi tập huấn nước ngoài lâu ngày giờ được về nhà, ai chả hí hửng nhất là với cậu bé lúc đó mới 15 tuổi như Phước. Tưởng chừng về nhà được vui vầy bên gia đình, ai ngờ lần về thăm nhà lần đó lại là để chịu tang bố.
“Lúc về tới đầu ngõ, Phước thấy nhà bắc phông rạp nên nói với tôi rằng hình như nhà có tiệc. Tới cổng, thấy mọi người chít khăn tang, Phước chạy thẳng vào nhìn tấm di ảnh trên quan tài và ngã xuống đất”, HLV Nguyễn Tấn Quảng ngậm ngùi kể lại. Không được nhìn mặt cha lần cuối, nhưng điều đó đã trở thành động lực để Phước càng quyết tâm thi đấu.
Dị nhân vùng biển Bên cạnh việc trở thành “ông hoàng” mới của làng bơi lội Việt Nam với hàng chục HCV ở các giải quốc nội, Quý Phước còn được biết biết đến với những câu chuyện đặc biệt. Sinh ra ở gần bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), hồi 5 tuổi, Phước đã khiến cả xóm chài ngạc nhiên bởi tài bơi lội. Phước kể rằng, mỗi buổi trưa tranh thủ lúc cả nhà còn nằm ngủ, em lại rủ cả nhóm bạn ra biển vui đùa với những con sóng. Đi miết thành quen, nên hôm nào mà không đằm mình dưới biển là không chịu được.
Điểm mạnh của Quý Phước là sải tay và những ngón chân dài. Vì có được những ngón chân như bàn chân vịt, Phước bơi nhanh, giảm lực nước, nhất là đoạn tăng tốc, về đích.
Có năng khiếu thiên bẩm lại ham thích bơi lội, năm 2003, Phước tham dự giải bơi học sinh toàn thành phố Đà Nẵng. Dù không đạt được thành tích nào đáng kể nhưng Phước là 1 trong số 10 người được chọn vào đội tuyển bơi lội Đà Nẵng. “Ngày đó tôi cùng HLV Phan Thanh Toại thấy cậu bé mới 10 tuổi đã cao gần 1,50m, nhóm cơ trên người thon mượt, các ngón tay, ngón chân dài ngoằng. Anh Toại nói rằng phải nhất định lấy cậu này về đào tạo”, HLV Tấn Quảng nói về quyết định nhận Phước vào Trung tâm bơi lội Đà Nẵng.
Như cá gặp nước khi được đào tạo bài bản, Phước có những bước tiến thần tốc về thành tích và nhất là khoản thể hình của mình. 14 tuổi, Phước đã cao 1m72 và hiện tại đã cao tới 1m82, đặc biệt, sải tay đã dài 2m.
Chất lạnh. Đó là sự khác biệt với cậu bé tuổi đời còn trẻ như Phước so với các bạn cùng trang lứa. HLV Nguyễn Đăng Hà, người từng gắn bó với Phước ở mỗi lần tập trung đội tuyển tại Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia 3, khẳng định: “Quý Phước tuổi nhỏ nhưng lỳ lắm. Môn bơi có đặc thù khi xuống nước, chân tay cóng, người run thì không thể bơi nổi. Phước có tâm lý vững vàng, chuyên môn cứng, nên chúng tôi tin tương lai của Phước còn phát triển nữa”. “Là dân miền biển nên tâm lý của em rất vững vàng. Như mỗi lần ra biển, không bơi được là chết nên bằng mọi giá phải bơi và bơi thật nhanh. Khi bước vào thi đấu không sợ gì cả, dù đó là đấu trường nào”
Không chỉ được biết đến với những điều khác biệt về thể hình, Phước cũng khiến cho nhiều đồng đội và BHL kinh ngạc về khoản ăn uống. HLV Tấn Quảng kể: “Ăn hết 2 con gà với Phước là chuyện bình thường. Đang ở độ tuổi phát triển nên Phước ăn dữ lắm. Đợt đi tập huấn ở Trung Quốc, bị bạn bè thách đố, Phước ăn liền một mạch 15 bát cơm. Ăn khỏe lại tập ở cường độ cao nên cơ thể phát triển đều. Giờ Quý Phước đã cao 1m82, nặng 76kg. Bạn bè cứ trêu Phước rằng ăn và lớn nhanh như Thánh Gióng”.
Chia tay Phước, tôi nhớ lại những câu nói của HLV Tấn Quảng: “Báo chí đừng đưa Phước lên mây xanh quá. Phước còn ít tuổi, lỡ mắc bệnh ngôi sao thì dở lắm, chuyên môn đi xuống thì coi như mất một tài năng”. Tất cả với Phước chỉ mới bắt đầu, hành trình chinh phục đỉnh cao vẫn còn đó. Nhưng nghe Phước vạch ra mục tiêu của mình, càng thấy độ quyết tâm của kình ngư này lớn cỡ nào: “Năm nay em cố gắng giúp bơi lội Việt Nam giành được HCV ở cự ly 100m bướm nam. Còn ở Olympic 2012, em sẽ phấn đấu đứng ở nhóm cao nhất”.
“Lương của em hiện tại gần 5 triệu đồng/tháng. Tiền thưởng từ hồi đi thi đấu đến giờ được khoảng 200 triệu đồng. Em chỉ giữ tiền lương để tiêu vặt, còn tiền thưởng đưa cho mẹ. Mẹ vất vả vì con cái nhiều, nên em muốn đền đáp công ơn nuôi dưỡng”.