Đó là những tấm gương rất đáng hoan nghênh trong bối cảnh đãi ngộ cho thể thao ở Việt Nam không cao.
Những triệu phú đi đá bóng
BĐVN không chỉ có những cầu thủ con nhà nghèo đến với nghề để mong đổi đời mà còn có nhiều cầu thủ có xuất phát điểm về kinh tế rất khá. Trường hợp của Sỹ Mạnh là ví dụ tiêu biểu. Đi đá bóng với Mạnh chỉ là niềm vui, đam mê bởi không như nhiều cầu thủ khác kinh tế của gia đình anh rất khá khi bố mẹ đều làm lớn, sở hữu tòa nhà "to vật vã" ở ngay trung tâm thành phố Thanh Hóa.
Chính vì không phải lo nghĩ cơm áo gạo tiền nên Sỹ Mạnh sớm nổi danh là tay chơi có tiếng trong giới cầu thủ. Hẳn mọi người không quên việc anh dính đến việc sử dụng thuốc lắc cùng các cầu thủ của Hà Nội T&T tại Q.7, TP.HCM cách đây vài năm. Ngoài ra, Sỹ Mạnh còn có thời gian cặp kè với ngôi sao của giới Showbiz Việt - Tâm tít.
Cùng thời với Sỹ Mạnh là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, còn gọi là Dũng “ngố”. Nếu không làm cầu thủ thì giờ Dũng đã là một phó giám đốc có người đưa kẻ rước điều hành các dự án kinh doanh của gia đình. Nhà anh ở Hải Phòng có công ty riêng, sở hữu hàng loạt dự án lớn trải dài ở các tỉnh phía Bắc. Nhờ có điều kiện nên trước khi các cầu thủ Việt tập tành chơi xe, Dũng “ngố” đã đổi xe xoành xoạch từ Lexus RS 350, Porche Turbo cho bến BMW X5 có giá đến cỡ 6 tỷ đồng, kèm theo đó là 1 con Mazda để thỉnh thoảng thay đổi.
Cùng tên cùng họ với Nguyễn Mạnh Dũng là trung vệ nổi tiếng của Thể Công và ĐTVN trước đây. Dũng “giáp” (gọi theo tên của bố anh là cựu trung vệ Nguyễn Trọng Giáp của Thể Công) được xem là trung vệ đẳng cấp của BĐVN vài năm trước đây nhờ thể hình ngon như Tây, đá bóng đầu óc và chuyền xa miễn chê. Có bố làm lớn, nhà có điều kiện nên Mạnh Dũng chẳng phải lo đá bóng kiếm cơm. Chả vì thế mà có lần anh đã lên truyền hình bô bô nói thẳng tuột: “Tôi đá bóng hay, đẹp trai, nhà có điều kiện...”.
Ở phố Núi Pleiku, gia đình tiền vệ Nguyễn Thái Dương được xem là đại gia có số má. Bố mẹ anh sở hữu công ty Thái Dương chuyên kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu. Vì thế, Thái Dương từ nhỏ đã chẳng lo chuyện tiền nong, chỉ chăm chăm mà đá bóng cho giỏi.
Đất “Thủ” Bình Dương có nhiều cầu thủ con nhà giàu nhờ gia đình kinh doanh cũng như có nhiều đất tại thị xã Thủ Dầu Một. Điển hình nhất là thủ môn Đặng Đình Đức. Khi mà các ngôi sao của B-Bình Dương thi nhau mè nheo đòi lãnh đạo cấp đất thì Đức khi đó chỉ là thủ môn số 3 chẳng quan tâm, bởi trong tay anh có đến vài miếng “đắc địa” ở trung tâm thị xã, có giá lên đến cả vài tỷ đồng mỗi miếng. Đàn anh của Đình Đức là tiền đạo Vương Tiểu Đạt hay sau này là tiền đạo Hoàng Ngọc Hùng cũng là những “cậu ấm” có tiếng ở đất Thủ vì sỡ hữu gia tài đồ sộ của gia đình.
Ngược lên Sài Gòn, nơi đây có cầu thủ Nguyễn Văn Khải của Navibank SG cũng được xem là cầu thủ nhà giàu. Gia đình Khải là chủ xe khách Thể Lin chạy tuyến Quảng Ngãi - Sài Gòn nên Khải có điều kiện để theo đuổi bóng đá. Nổi danh từ các cấp độ trẻ sau này chuyển đến đội bóng nhà giàu như Navibank SG nên tiền bạc đối với Khải không thành vấn đề. Một số cầu thủ khác như Công Huy (B-Bình Dương), Văn Quyết (Hà Nội-T&T), Hồ Ngọc Huy (Sài Gòn FC)… cũng là những cầu thủ có nền tảng kinh tế vững chãi từ gia đình làm bệ phóng cho những thành công về sau.
Những sao thể thao giàu từ trong trứng
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh là điển hình cho những trường hợp sinh ra đã giàu của các VĐV Việt Nam. Bố mẹ là dân kinh doanh có công ty riêng chuyên về mặt hàng gỗ có tiếng ở Chợ Lớn, Q.6, TP.HCM doanh thu tính bằng tiền tỷ/năm nên Tiến Minh được gia đình hậu thuẫn hết mình, nhất là khi anh là con út. Nhờ đam mê, khổ luyện cùng tiền của gia đình, Tiến Minh đã nổi danh ở làng cầu lông thế giới.
Nói về mức độ đầu tư cho con theo thể thao, gia đình của tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên xứng đáng ở những vị trí đứng đầu. Là ông chủ của một công ty đa ngành nghề lớn, đặc biệt về xây dựng, ông Minh - bố của Hoàng Thiên đã chi ra cả triệu đô để đầu tư cho con học quần vợt trong 3 năm tại Mỹ. Sau này, hàng năm gia đình đều đặn rót từ 2-5 tỷ đồng/năm để Thiên đi thi đấu, cũng như trả lương cho các HLV. Nếu không có nguồn tiền dồi dào của gia đình, Thiên bây giờ không thể trở thành tay vợt trẻ Việt Nam có tiếng nhất trên thế giới.
Đàn chị của Thiên là cựu tay vợt Nguyễn Thùy Dung cũng sinh ra trong gia đình “trâm anh thế phiệt”. Bố mẹ của Thùy Dung là những đại gia bất động sản có tiếng ở Hà Nội. Nhờ đó, từ năm 12 tuổi Thùy Dung đã được cấp tiền tỷ đi du học tại Thái và Mỹ. Sau này khi đã giải nghệ chuyển sang chơi golf, Dung còn được bố mẹ cấp cho cả tỷ đồng để mở quán cafe sang trọng IYO trên đường Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM.
Trường hợp của Phạm Văn Mách có đôi chút khác biệt. Anh là con nhà danh gia vọng tộc có tiếng ở An Giang. Là con trai duy nhất trong gia đình có 8 người con, có bố là ông chủ hãng thuốc lá số 1 ở đồng bằng sông Cửu Long trước kia, Mách từ nhỏ được sống trong nhung lụa. Nhưng về sau gia cảnh sa sút khiến anh phải lăn lộn kiếm sống và đổi đời nhờ bén duyên với thể hình.
Ngoài những cậu ấm, cô chiêu này này thì TTVN cũng còn nhiều VĐV khác như Đài Trang (quần vợt), Trà My, Thùy Linh (wushu), Lê Quang Liêm (cờ vua), may mắn được sinh ra trong những gia đình có điều kiện kinh tế. Cộng với đam mê và khổ luyện họ đã thành tài, lập nhiều thành tích đáng nể. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.