Những kỳ SEA Games trước chứng kiến khá nhiều những gia đình cùng thi đấu tại SEA Games như cặp anh em Văn Hùng - Trọng Cương (taekwondo); Chí Đông - Bùi Thị Nhung, Ngọc Tâm - Duy Bằng (điền kinh); Đoàn Kiến Quốc - Đoàn Trọng Nghĩa (bóng bàn), Vũ Thùy Linh - Phương Lan (wushu), Trịnh Thị Mùi - Trịnh Thị Ngà (pencak silat)… Và tại kỳ SEA Games 2011 trên đất Indonesia, thể thao Việt Nam đang đặt hy vọng vào những “gia đình vàng” tiếp theo.
Những tổ ấm của môn cờ vua
Cờ vua có thể xem là một môn thể thao đặc biệt bởi đã có nhiều cặp anh em, vợ chồng từng thi đấu chung trong cùng màu áo đội tuyển. Trước đây, có cặp anh em Từ Hoàng Thông, Từ Hoàng Thái; cặp đôi Anh Dũng - Phương Liên (Liên lần này không được gọi)…Tại SEA Games 26, người hâm mộ sẽ có dịp chứng kiến cặp vợ chồng Tống Thái Hùng và đại kiện tướng nữ Nguyễn Thị Thanh An thi đấu. Họ kết hôn từ năm 2002 và đã trải qua rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Như đợt Nguyễn Thị Thanh An bị nghi ngờ là “đối tượng” khủng bố khi sang dự một giải cờ vua ở Libya khiến chồng phải chạy đôn, chạy đáo giải oan cho vợ…
Ngoài cặp vợ chồng này, cặp đôi Nguyễn Ngọc Trường Sơn và Phạm Lê Thảo Nguyên cũng là một mối tình đẹp. Thảo Nguyên hơn Sơn 3 tuổi, là người đã sát cánh cùng anh ở những thời điểm khó khăn nhất khi bố mẹ Sơn chia tay và sự nghiệp có phần xuống dốc. Hiện tại, Nguyên đã là cử nhân marketing còn Sơn đang có những bước tiến lớn khi nhảy vào tốp 100 kỳ thủ xuất sắc nhất thế giới. Một mái ấm để cả hai cùng góp gạo thổi cơm chung là cái đích gần mà cặp kỳ thủ này đang nghĩ đến. Cặp vợ chồng của Thiếu lâm tự quyền pháp Hồ Nhất Thống và Nguyễn Thị Huyền Diệu vốn là những cựu VĐV rất nổi tiếng ở môn Taekwondo. Nhất Thống từng là nhà vô địch ASIAD 1998, còn Huyền Diệu đã từng 4 lần vô địch SEA Games. SEA Games 26 này họ không tái ngộ trên cương vị HLV của đội Taekwondo mà sánh duyên cùng môn thể thao mới, lần đầu Việt Nam tham dự - Shorinji Kempo, hay còn gọi là Thiếu lâm tự quyền pháp. Đây là một trong chín môn võ thuật lớn của Nhật Bản được sáng lập vào năm 1947 trên cơ sở môn Kungfu của Trung Quốc. Người Nhật Bản gọi môn này là “kempo”.
Xác định đây là môn thể thao khá phù hợp với các võ sĩ Việt Nam, TP.HCM đã đi tiên phong trong việc tiếp nhận môn võ thuật này. Thử sức với Kempo, Hồ Nhất Thống đã được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng và đảm nhiệm vai trò HLV trưởng đội tuyển TP.HCM dự SEA Games 26. Trong tháng 10, tại giải tiền SEA Games 26 đội Kempo non trẻ này đã giành được ba chức vô địch (Đỗ Hồng Ngọc, Châu Nguyên Quốc ở nội dung đối kháng và cặp võ sĩ Phan Thị Kiều Duyên - Phạm Thị Mão ở nội dung quyền). Đây là thành quả đầu tiên cho vợ chồng HLV Hồ Nhất Thống - Huyền Diệu. Mục tiêu của cặp vợ chồng võ sỹ nổi danh Việt Nam là cùng đội Shorniji Kempo non trẻ của TP.HCM phấn đấu giành từ 1-2 HCV.
Cặp đôi vàng của điền kinh Việt Nam
Nguyễn Đình Cương và Trương Thanh Hằng được xem là cặp đôi vàng ở cự ly trung bình của điền kinh Việt Nam. Họ đã mang về vô số huy chương cao quý trong suốt 5-6 năm qua. Những tháng ngày xa nhà và lâu ngày tập luyện chung với nhau tại đội tuyển đã làm nảy sinh tình cảm đẹp giữa họ. Mảnh đất miền trung khô cằn của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia 3 là nơi in đậm mối tình đẹp của cặp đôi vàng này.
Lớn tuổi hơn, Đình Cương đóng vai trò là một người anh, một bác sỹ tinh thần động viên Trương Thanh Hằng ở những thời điểm khó khăn nhất. Ngược lại, Thanh Hằng lại hết sức giúp đỡ Cương về vật chất những lúc anh túng quẫn. Đã có thời điểm Hằng cho Cương vay một số tiền lớn để về quê chữa bệnh cho mẹ… SEA Games này cả hai cùng động viên, phấn đấu vì những mục tiêu lớn. Trương Thanh Hằng sẽ quyết tâm đoạt chuẩn Olympic cũng như bảo vệ 2 tấm HCV ở nội dung 800m và 1500m. Với Đình Cương, anh cũng rất quyết tâm để tìm kiếm 1-2 tấm HCV ở kỳ SEA Games cuối. Ở đội điền kinh quốc gia Việt Nam còn chứng kiến một trường hợp “gia đình” khác đó là 2 chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng. Họ đều là những kỷ lục gia của điền kinh Việt Nam ở nội đung di bộ 20km. Sinh ra trong gia đình có đến 7 anh chị em tại xã miền núi Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, Thanh Phúc bén duyên với điền kinh từ những năm tháng đi chân trần trên những đồi đất bỏng rát cuốc bộ 3-4km hàng ngày đến trường.
Năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội TDTT toàn quốc, hai chị em Nguyễn Thị Thanh Phúc và Nguyễn Thành Ngưng cùng đoạt HCV và phá kỷ lục quốc gia cự ly 20km đi bộ nam và nữ.
Từ vài năm nay, Thanh Phúc là VĐV không có đối thủ tại các cự ly đi bộ ở các giải điền kinh quốc gia. Noi gương chị, cậu em Thành Ngưng cũng đã đến với điền kinh từ năm 2006 cùng nội dung như chị. Có tố chất và được sự động viên, đùm bọc của chị, Thành Ngưng đã thi đấu thành công, đoạt HCV tại ĐH TDTT năm ngoái cũng như tại giải điền kinh quốc tế TP.HCM mở rộng. Tại SEA Games tới, hai chị em đã hạ quyết tâm sẽ đoạt huy chương, làm quà tặng cho bố mẹ vẫn đang vất vả với gánh nặng mưu sinh…. Những gia đình khác Bóng chuyền nữ Việt Nam có cặp chủ công nổi tiếng Phạm Thị Yến và Đỗ Thị Minh. Họ là anh em con cô cậu. Cùng thi đấu chung trong màu áo Thông tin Liên Việt Bank, cả hai cũng là niềm hy vọng lớn của bóng chuyền nữ Việt Nam tại SEA Games lần này. Phạm Thị Yến được mệnh danh là “búa máy” khi là chủ công chính của ĐTVN vài kỳ SEA Games gần đây trong khi Minh là chủ công trẻ đầy triển vọng.
Ở đội Thể dục dụng cụ quốc gia cũng chứng kiến việc những VĐV yêu người cùng nghề. Búp bê Đỗ Thị Ngân Thương có người yêu nhỏ hơn 1 tuổi là Hoàng Cường. Trong khi đó, VĐV đoạt HCĐ thế giới Phan Thị Hà Thanh cũng có người thương là đồng đội Văn Hoàn. Ở đội bắn súng quốc gia chứng kiến cặp vợ chồng Đỗ Đức Hùng và Cù Thị Thanh Tú, nối tiếp “truyền thống” nên duyên trăm năm ở môn thể thao này với các cặp Đàm Thị Nga - Anh Quân, Tuấn Đông - Đặng Thị Đông, Văn Thịnh - Thu Huyền, Cao Sơn - Nguyễn Thị Hằng…. Hay như môn wushu cũng có một cặp đôi rất đẹp là Nguyễn Mai Phương và Đỗ Đức Cường….