NAM GIỚI » Môn khác

Những ngôi sao người Việt

Thứ ba, 03/05/2011 15:48

Không chỉ dừng lại ở mức độ phong trào, thể thao của người Việt ở nước Đức nói chung và Berlin nói riêng đã cho ra lò những ngôi sao thực thụ.

Vận động viên (VĐV) gốc Việt nổi tiếng nhất nước Đức bây giờ có lẽ là Marcel Nguyen. Khi đăng bài về anh, tờ Sport Bild còn phải chú thích để người đọc có thể phát âm đúng từ “Nguyen” - “nuejen”, vô địch châu Âu về thể dục dụng cụ (TDDC): Năm 2010 về đồng đội nam và năm 2011 về xà kép, cái HCV quý giá và hiếm hoi cho cả nước Đức kể từ năm 1955. Mà giữa hai chiếc HCV ấy, là ca chấn thương nặng nề, khi Nguyen bị gãy chân trong lúc thực hiện động tác quay ba vòng Tsukahara do chạm đất không chuẩn. Là tài năng, cũng là ý chí. Nhưng Nguyen sinh ở Munich, hiện đang tập ở Stuttgart.

Ở Berlin, trong môn TDDC, Hoàng Việt Thảo là cái tên nổi bật. Năm 2009, 16 tuổi, Thảo là vô địch giải trẻ CHLB Đức về thể dục tự do và vòng treo, đồng thời đoạt HCB ở môn toàn năng. Tờ Berliner Zeitung khi viết bài về Thảo sau cuộc thi này đã chạy tít với hàng chữ: Muốn thành công thì phải tập từ bé. HCV đầu tiên Thảo có được khi em 10 tuổi. Và bây giờ em đã có sau lưng 10 năm luyện tập thể thao đỉnh cao. Năm 2010, Thảo bị chấn thương lưng do quá tải. Hiện em đã tập luyện trở lại dù mới chỉ đạt tới 70% phong độ. HLV R.Ankert khẳng định: “Nếu Thảo không gặp chấn thương, phải nói thật đây là chấn thương nặng, thì chắc chắn Thảo sẽ trở thành một VĐV hàng đầu của Đức. Còn hiện nay, chúng tôi vẫn đang hy vọng, vì Thảo vẫn thuộc về 15 VĐV trẻ được chăm sóc theo diện đội tuyển”.

 

VĐV Hoàng Việt Thảo

 

Trong môn nhảy cầu nữ, Berlin có cô gái gốc Việt Dương Kiều Trang, mà báo chí Đức hay gọi là Kieu Duong. Thành tích nổi bật của Trang là vô địch châu Âu cầu nhảy 10m năm 2009. Ở vòng ngoài, Trang chỉ đứng thứ 9, nhưng bằng nỗ lực và bản lĩnh thi đấu đặc biệt, em đã giành giải Nhất sau vòng chung kết. Tờ Berliner Kurier bình luận “Kieu Duong nhỏ bé bỗng chốc trở thành lớn lao”. Tháng 2/2011, Trang vượt cấp thi giải vô địch Đức của người lớn, và em giành 2 HCĐ ở môn cầu nhảy 3m và môn nhảy đôi. Ảnh em lại được lên báo, với lời bình: “Giờ thì chẳng còn gì có thể ngăn cản được cô bé này”. Tuy nhiên, niềm vinh dự lớn lao mà Trang cảm nhận được là khi em được chọn làm người cầm cờ cho đội tuyển Đức tại Olympic trẻ lần thứ nhất, tổ chức tại Singapore năm 2010. Trang tự hào nhận lá cờ từ tay VĐV bóng rổ nổi tiếng D.Nowitzki. Tại giải này, Trang về thứ 7 ở cầu 3m và thứ 5 ở cầu 10m. Điểm lại sự nghiệp của mình, Trang ghi nhớ: “Em đã giành tất cả 33 HCV trong các cuộc thi”. HCV đầu tiên Trang có khi em 9 tuổi, vô địch Berlin. Năm 11 tuổi, Trang đã là vô địch CHLB Đức, và em liên tục đứng đầu từ bấy đến nay.

Đấy là những cái tên nổi bật nhưng không đơn độc. Đến thăm Trang tại bể bơi Berlin gần ga tàu nhanh Landsberger, bạn có thể dễ dàng nhận ra đến 5 em người Việt Nam trong khoảng 20 VĐV trẻ đang mải mê tập tuyện. Bạn gần trang lứa với Trang là Phạm Mỹ, cũng đã là vô địch châu Âu năm 2007. Anh trai Thảo, Phạm Việt Đức, cũng từng là VĐV trượt băng của TSC Berlin. Và ở đây cũng có các em bé Việt Nam tập điền kinh hay bóng đá, những môn hậu và vua của thể thao nói chung. Thể thao trước hết đem lại nhiều lợi ích, còn đỉnh cao lên tới đâu thì thực tế dài lâu sẽ trả lời.

Cũng chỉ là một con đường

Con đường thể thao đỉnh cao ở đâu thì cũng chỉ có một: Kiếm tìm, đào tạo, thi đấu.

Anh Dương Văn Viễn, người gốc Từ Sơn (Bắc Ninh), nhớ lại: “Trang sinh ra vốn nhỏ bé, nên tôi cho cháu đến bể bơi từ rất sớm để hy vọng cháu có thể lớn lên không thua kém bạn bè. Năm cháu 4 tuổi, bỗng có hai người Đức đến nhà. Họ bảo rằng đã theo dõi Trang từ lâu ở bể bơi, và tin cháu có năng khiếu đặc biệt. Họ xin gia đình cho cháu theo tập ở lớp năng khiếu. Tôi lúc bấy giờ cũng chẳng nghĩ gì đến HC đâu, nhưng tin cháu tập thêm như vậy thì chỉ có tốt hơn mà thôi, trước hết là tốt cho sức khỏe”. Thành tích đến rất nhanh, và đến bây giờ anh Viễn vẫn chưa hiểu, dựa vào đâu mà người ta nhận ra khả năng của con gái anh.

Bố Hoàng Việt Thảo là Hoàng Văn Vĩnh, quê Đồng Hới, Quảng Bình. Môn TDDC chẳng giống môn bơi. Anh kể: “Mỗi quận ở Berlin có 2 chuyên gia luôn đi sục tìm ở các trường học để tìm các em có năng khiếu thể dục. Khi Thảo 6 tuổi, họ tìm đến nhà tôi, đề nghị gia đình ký giấy cho cháu theo tập thể thao”. Khi Thảo trở thành vô địch Berlin rồi, thì có đợt lọc lựa thứ hai: trong số gần 30 em ban đầu chỉ còn lại 9 em. Lại 3 năm nữa trôi qua, đến đợt lọc lần hai thì chỉ còn mỗi mình Thảo, em được chọn vào trường phổ thông năng khiếu chuyên về thể thao.

Trang cũng học ở trường chuyên thể thao mang tên Coubertin, người sáng lập phong trào Olympic. Phương châm đào tạo những VĐV như Trang và Thảo trong giai đoạn này là gì? Nói tóm lại: Tôn trọng yếu tố con người, tôn trọng thể thao, tôn trọng văn hóa. Trước hết: Dạy bảo chu đáo. Các thầy văn hóa, các thầy thể thao thường hay đến nhà, trao đổi với các em, trao đổi với cha mẹ, để theo sát các em từng bước, nhất là trong những tình huống đặc biệt. Như khi Thảo bị chấn thương lưng. Anh Vĩnh nhớ rõ, các thầy đến trao đổi về tâm lý và kỹ thuật khi điều trị, rồi gửi Thảo sang Thụy Sĩ chỉ đế tiêm một mũi vào lưng. Ở đây, tài năng thể thao được coi trọng không kém gì các tài năng khác như toán học, âm nhạc hay tin học... Trang kể lại: Sau tốt nghiệp phổ thông, nếu muốn học luật, điểm trung bình phải là 1,5, nhưng em thuộc diện ưu tiên năng khiếu, nên chỉ cần 2,3 là đủ (hệ thống tính điểm ở Đức từ 1-5, điểm 1 là cao nhất).

Nói như vậy không có nghĩa văn hóa bị sao nhãng. Chương trình học văn hóa của học sinh năng khiếu thể thao giống y 100% với chương trình ở các trường bình thường. Nhưng các em chỉ có “ưu tiên” về cách học. Do phải đi luyện tập, thi đấu tập trung nhiều lần trong năm, nên để đảm bảo nội dung chương trình, các em được học theo chế độ “3 năm, 2 lớp”. Hỏi Trang đang học lớp mấy, em cười: “Môn thì lớp 9, môn thì lớp 10”. Còn Thảo rút từ cặp ra giấy triệu tập em đi tập huấn ở đội tuyển quốc gia, mục 2 ghi rõ: “Không được quên bài tập về nhà mà trường đã giao”. VĐV chỉ vững vàng khi trình độ văn hóa được đảm bảo.

Tất cả VĐV tài năng đều luyện tập tại các CLB chuyên nghiệp, theo các giáo trình của HLV hàng đầu, chứ không tập trong khuôn khổ nhà trường. Cả Trang lẫn Thảo, cũng như nhiều em khác, đều tập tại CLB TSC Berlin (Turn und Sport Club - CLB thể dục thể thao). Các VĐV TSC Berlin đã có trong tay 24 HCV vô địch thế giới, 4 HCV vô địch Olympic và 36 HCV vô địch châu Âu. Giải nhảy cầu châu Âu năm 2011, cả nước Đức đoạt 7 HC, thì 6 HC thuộc về CLB Berlin (2 Vàng, 3 Bạc, 1 Đồng). Giải trẻ vô địch nước Đức vừa qua, TSC Berlin dành tổng cộng 17 HCV, 8 HCB và 6 HCĐ. Luyện tập ở đây, Trang có đủ những tiền đề quan trọng nhất để phát triển.

Cũng ở CLB Berlin, mối quan tâm hàng đầu không chỉ tập trung vào chuyên môn, mà cũng rất chú trọng phần con người. Cơ quan lãnh đạp cao nhất của CLB là đại hội, đoàn chủ tịch và hội đồng thanh thiếu niên. Các ủy viên của hội đồng thanh thiếu niên có một hệ thống quán xuyến đến từng bộ môn, từng VĐV. Vì các em còn nhỏ, nên cần phải chăm chút để thực hiện đầy đủ, cặn kẽ “Luật Bảo vệ thiếu niên và nhi đồng” của Nhà nước. Như thế, các em luôn được chăm sóc đầy đủ về văn hóa, thể thao và con người, những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển toàn diện khi các em trở thành một công dân, một VĐV thể thao thành tích cao, xứng đáng với sự nghiệp “làm tấm gương cho tuổi trẻ” của mình.

Quyết định ở bản thân mình

Có tài năng, có môi trường, nhưng cuối cùng thì thành đạt là do chính sự rèn luyện của mỗi người. Hỏi cả Trang và Thảo: “Tập như thế có thích không”, cả hai đều cười rất tươi: “Thích lắm ạ”. Thích thì mừng rồi, nhưng sự nghiệp này vô cùng vất vả.

Từ lớp 5, các em đều vào trường năng khiếu thể thao. Tuần học 6 ngày. Mỗi ngày cứ 7 giờ sáng đi, 7 giờ tối về. Sau đó là 2 giờ làm bài tập. Mỗi ngày tập thể thao 3 giờ. Cân nặng theo dõi thường xuyên, cứ lệch chuẩn 1 lạng là phải điều chỉnh, bằng ăn và bằng tập. Ngay trước khi vào trường chuyên thể thao, cũng đã tập 2 giờ mỗi ngày. Được phỏng vấn sau khi dành HCV vô địch châu Âu, Marcel Nguyen xòe ra hai bàn tay đầy vết chai và nói: “Luôn luôn đói, luôn luôn đau. Không bao giờ ăn đồ ăn nhanh. Không có bất cứ một vết xăm trổ nào lên người”. Hỏi Trang, tính cách nào là nổi bật nhất của em, trả lời: “Tính kiên trì - rồi nghỉ một lát như để suy nghĩ thêm - và có thể là cả lòng dũng cảm”. Hỏi Thảo, sao chấn thương nặng thế mà vẫn cứ theo đuổi thể thao, em trả lời rất hiền hòa: “Nếu bỏ thể thao thì em mất hết. Có thể cứ tập thế này, em không còn trở thành vô địch được nữa. Nhưng những gì thể thao mang lại cho em thì vẫn có ích cho em suốt đời”.

Trang đã về thăm Việt Nam 5 lần. Chỉ sau một tuần, là em có thể nói tiếng Việt trôi chảy. Em ước mong sau này có thể trở thành một nhà chuyên môn về vật lý trị liệu, và lúc đó em có thể trở về giúp ích cho môn nhảy cầu nữ ở quê nhà. Thảo trả lời phỏng vấn bằng tiếng Việt chưa thật thông thạo. Em được mệnh danh là “niềm hy vọng số 1 về TDDC của Berlin” và vẫn chăm chú theo dõi các hoạt động thể thao trong nước. Kể cho em nghe về đội TDDC Việt Nam vừa thi đấu tại Quảng Châu, với những Thương, Huyền, Thanh, Sang..., Thảo chăm chú nghe với một vẻ gì như luyến tiếc. Yêu nghề, gắn bó với nghề và hy sinh cho nghề như là tính chất chung của tất cả các em.

TTVH online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới