Mất ngôi
Tại giải VĐQG năm 2004, lần đầu tiên sau 26 năm đứng đầu toàn quốc, bơi lội TPHCM mất ngôi vị về tay Hà Nội sau khi thua đúng 1 HCV (12 HCV, 13 HCB, 9 HCĐ so với 13 HCV, 9 HCB, 7 HCĐ). Một phần, người ta tiếc nuối về việc nếu bố trí lực lượng thi đấu chặt chẽ hơn, có lẽ TPHCM không thất bại như vậy.
Nhưng phần khác quan trọng hơn, chính đội ngũ làm công tác chuyên môn của bơi lội TPHCM thừa nhận đang hụt hẫng lực lượng kế thừa, chưa đa dạng trong huấn luyện các kiểu bơi khiến mất dần ưu thế ở các kiểu bơi ngửa nữ, ếch nữ, tiếp sức hỗn hợp…
Việc mất ngôi vị nhất toàn đoàn giải VĐQG 2004 đúng như lời tự vấn của trưởng bộ môn TTDN (kiêm TTK LĐ TTDN TPHCM) thời điểm đó, ông Nghiêm Xuân Cừ: “Kết quả này là sự cảnh báo cần thiết, nhằm đánh giá kỹ lưỡng thực trạng bơi lội TP, trong đó có vấn đề quan trọng là những năm qua chúng tôi còn chuyển đổi nhận thức, cách làm bơi lội quá chậm”.
Sau khi thua đau ở giải VĐQG, bơi lội TPHCM tiếp tục tự “mổ xẻ” và nhận thấy: dưới “trướng” bác Cổ Tấn Chương (chủ nhiệm CLB Yết Kiêu từ năm 1979-1990), các HLV đều mỗi người huấn luyện một nhóm có VĐV đủ các lứa tuổi nhưng bác Chương luôn là người “cầm trịch” bằng cách đặt ra chương trình huấn luyện mỗi năm (theo từng chu kỳ, mục tiêu thi đấu từng giải) và duyệt giáo án của HLV.
Cách làm này đảm bảo định hướng chiến lược xuyên suốt, không hạn chế sáng tạo của HLV. Dưới thời chủ nhiệm kiêm trưởng bộ môn TTDN Đào Công Sanh (1990-2000), Nghiêm Xuân Cừ thì vấn đề phân nhóm huấn luyện theo từng giai đoạn phát triển chuyên môn của VĐV luôn được đặt ra rồi khó thực hiện vì sự cả nể trong nội bộ HLV là chính.
Trong khi đó, Hà Nội mời chuyên gia “trực chiến” tại chỗ từ năm 1997-2003, đồng thời cử VĐV tập huấn Trung Quốc; Hải Phòng âm thầm đầu tư đột biến cho mũi nhọn Nguyễn Hữu Việt từ cuối những năm 1990 để có nhà vô địch 3 lần liên tiếp SEA Games hôm nay. Điều này cho thấy TPHCM chậm một bước khi “gồng mình” giữ lấy sức mạnh tổng thể cả về phong trào lẫn đỉnh cao ở trong nước mà chưa có chiến lược mạnh mẽ để tiếp cận quốc tế.
|
Kình ngư Kim Tuyến, tiêu biểu cho thành công của thế hệ thứ 5. Ảnh: HẢI DU |
Lột xác để giành ngôi số 1 Giải VĐQG năm 2005, TPHCM lấy lại hạng nhất toàn đoàn trong gang tấc. Trong hai năm 2005-2006, bơi lội TPHCM có hàng loạt chuyển đổi và cải cách, quan trọng hơn hết là sự lột xác để nâng chất công tác đào tạo, như kiên quyết phân tuyến huấn luyện theo độ tuổi và năng lực của VĐV, quy định mới tiêu chuẩn tuyển chọn, nâng cao lượng VĐV với tiêu chí cụ thể cho từng tuyến, có tiêu chuẩn và xếp hạng, khen thưởng các CLB quận huyện để khuyến khích cơ sở đào tạo năng khiếu ban đầu, mạnh dạn quy định số ngày giờ tập.
Đặc biệt, việc tuyển sinh VĐV năng khiếu bơi lội các tuyến đi dần vào nề nếp với 2 cấp xét tuyển: cấp Ban huấn luyện thành phố và cấp Trưởng bộ môn bơi lội quận huyện. Việc xét tuyển 2 cấp giúp công khai hóa công tác tuyển sinh và không bỏ sót năng khiếu bơi lội trên toàn thành phố.
Việc áp dụng tiêu chuẩn xét tuyển mới (lấy thành tích bơi hỗn hợp và bơi đường dài làm căn cứ chính) đối với VĐV cũng giúp định hướng lại công tác huấn luyện VĐV trẻ, tránh hiện tượng “đốt cháy giai đoạn” hoặc “chạy đua theo thành tích” ở các giai đoạn huấn luyện ban đầu. Sau 1 năm định hướng mới, bộ môn nhận thấy có sự tăng trưởng đáng kể thành tích của 2 nội dung này khi so sánh thành tích trung bình cộng của 5 thứ hạng đầu cự ly hỗn hợp và đường dài tại giải bơi vô địch các nhóm tuổi năm 2005 và 2006.
Sau khi phân tuyến huấn luyện hồi tháng 10-2005, chất lượng thành tích của VĐV được nâng lên thấy rõ, biểu hiện ở số lượt VĐV phá kỷ lục lứa tuổi thành phố tăng lên đột biến. Tính đến tháng 12-2006, tổng cộng có 72 lượt VĐV (30 nam, 42 nữ) phá kỷ lục lứa tuổi thành phố ở hồ 50m và 57 lượt VĐV (25 nam, 32 nữ) phá kỷ lục ở hồ 25m.
Việc mở thêm tuyến huấn luyện VĐV năng khiếu thành phố tại CLB bơi lặn Phú Thọ, thành lập địa điểm tổ chức tập luyện cho VĐV năng khiếu các quận 3, 5, 6, 10, 11 và Tân Bình đã góp phần giải quyết chất lượng tập luyện (lượng vận động) cho những VĐV ở những quận cách xa trung tâm.
Chính trong cuộc “lột xác” mạnh mẽ này đã sản sinh những mầm xanh hy vọng cho thế hệ thứ năm của bơi lội TPHCM hiện nay, điển hình là VĐV Nguyễn Thị Kim Tuyến (sinh năm 1994). Đại hội TDTT toàn quốc lần V tháng 9-2006 là lần đầu tiên TP “trình làng” VĐV Kim Tuyến (mới 12 tuổi) và Tuyến đoạt ngay HCĐ 200m hỗn hợp.
Chưa đầy 5 năm sau, tại ĐH TDTT toàn quốc lần VI tháng 12-2010, dù không còn Võ Thị Thanh Vy (nghỉ thi đấu trước thềm đại hội) nhưng Kim Tuyến tỏa sáng với 11 HCV (8 cá nhân, 3 tiếp sức) – 4 HCB, phá 2 KLQG.
Trước đó, ở cuộc thi hồ 25m trong khuôn khổ đại hội, Kim Tuyến đoạt 14 HCV, phá 12 KLQG làm gợi nhớ tượng đài Nguyễn Kiều Oanh với kỷ lục trong lịch sử bơi lội Việt Nam là đoạt 14 HCV, phá 5 KLQG tại hồ 50m ĐH TDTT toàn quốc năm 1990.
Sự thành công của Kim Tuyến đặt dấu chấm hết cho thế hệ thứ tư của bơi lội TPHCM nhưng là sự khẳng định ấn tượng nhất về những chuyển biến của giai đoạn “thứ tư” này, đồng thời nói lên quyết tâm xuyên suốt của bơi lội TPHCM, như phát biểu của trưởng bộ môn TTDN kiêm TTK Liên đoàn TTDN TPHCM Chung Tấn Phong: “TPHCM gần như là địa phương duy nhất trên toàn quốc ổn định hệ thống đào tạo VĐV bơi lội từ vệ tinh (các quận huyện) đến đại bản doanh Yết Kiêu nên hầu như giai đoạn nào cũng có nhiều VĐV năng khiếu nổi bật”.