Năm 2011, năm đầu tiên trong chiến lược phát triển 2011-2020, tất cả đều kỳ vọng vào một năm với nhiều sự đổi thay…
Kết thúc Á vận hội 16, ông Trưởng đoàn Lê Quý Phượng đã thẳng thắn thừa nhận những yếu kém và phương hướng phát triển của thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua.
Tư tưởng lấy đấu trường khu vực là cái đích vươn tới đã ăn sâu vào tư duy làm thể thao của Việt Nam, nên không dễ gì thoát được tư tưởng cổ hủ này. Như ở ASIAD 16, việc coi đó là sân chơi tạo bước đà cho SEA Games 26 (Indonesia) đã khiến thể thao Việt Nam thất bại thảm hại với 1 tầm HCV duy nhất. Đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo tới những người làm công tác thể thao nước nhà.
|
Thể thao Việt Nam sẽ dồn lực đầu tư mạnh mẽ cho các môn Olympic |
Thất bại đó cho thấy thể thao Việt Nam cần sự thay đổi lớn trong cách làm, cách nghĩ. Chúng ta sẽ phải có các biện pháp tổ chức lại, thực hiện theo đúng quy định về vấn đề đào tạo VĐV cấp cao, từ tuyển chọn VĐV trẻ, quá trình đào tạo, quá trình chăm sóc, quá trình dinh dưỡng, tập huấn… và chắc chắn phải ứng dụng khoa học kỹ thuật chứ không thể cứ nơm nớp hay trông chờ vào vận may như hiện nay.
Thể thao Việt Nam cần tập trung mạnh vào 28 môn thuộc hệ thống Olympic và tất cả đại hội nào cũng phải thi đấu. Trong khi đó, những môn chỉ có tính chất tranh giành huy chương ở SEA Games cũng cần phải có hướng đầu tư khác. Chứ không như hiện nay, chuẩn bị cho ASIAD hay Olympic chế độ các VĐV cũng ngang bằng với SEA Games là điều không phù hợp.
Các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã có vị thế tại đấu trường châu lục và tiệm cận gần Olympic. So với các nước Đông Nam Á sự đầu tư của chúng ta có ít hơn, nhưng nếu chúng ta biết tận dụng sự đầu tư, làm tốt hơn công tác xã hội hóa và sử dụng hiệu quả đầu tư nhà nước thì hoàn toàn có thể tìm được thành công.
Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, cần phải có một sự thay đổi mang tầm chiến lược từ phía những nhà quản lý thể thao Việt Nam. Trong số 10 tấm HCV mà thể thao Việt Nam giành được kể từ khi tham dự sân chơi Á vận hội, chỉ có 2 tấm HCV nằm trong hệ thống thi đấu Olympic là Taekwondo. Suốt bao năm qua, chúng ta chỉ quan tâm tới những môn chủ yếu là chấm điểm cảm tính hoặc ít nước tham dự như wushu, thể hình, cầu mây, Billiards & snooker…
Thế nhưng, ngay cả khi những môn này được đầu tư trọng điểm với chính sách đi tắt đón đầu, thể thao Việt Nam vẫn nhận thất bại cay đắng. Cầu mây thua cả đội “chiếu dưới” Indonesia, wushu “trắng” HCV và bị Malaysia qua mặt, Billiards & snooker để lại sự thất vọng tràn trề…
Sau thất bại ở ASIAD 16, đã có những động thái rất tích cực xuất hiện trong định hướng phát triển. Thể hình, Billiards & snooker, Wushu, Cầu mây bị loại khỏi danh sách 10 môn thể thao trọng điểm cần được đầu tư. Thay vào đó là các môn bơi, cầu lông, bóng bàn, boxing.
Như vậy, trong số 10 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam trong vòng 10 năm tới sẽ bao gồm: Điền kinh, bơi, cử tạ, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng. Đây đa phần là những môn nằm trong chương trình thi đấu của Á vận hội và Olympic.
Với những thay đổi bước ngoặt, thể thao Việt Nam xác định trong những kỳ SEA Games sắp tới, Việt Nam sẽ không còn những “cơn mưa” HCV ở những môn vốn thống trị khu vực nữa. Song, rất có thể chúng ta sẽ tiệm cận và chinh phục đấu trường Olympic, nơi thể thao Việt Nam mới chỉ có 2 tấm HCB của taekwondo và cử tạ.
Tuy nhiên, tất cả những vấn đề trên đây mới chỉ là trên lý thuyết bởi vượt qua được căn bệnh thành tích không phải là chuyện đơn giản với thể thao Việt Nam. Có ai dám khẳng định sẽ lại không tiếp tục đầu tư dàn trải? Ai dám khẳng định công tác tuyển chọn và đào tạo trẻ sẽ được làm đến nơi đến chốn?.
Tất cả phải được thể hiện bằng việc làm cụ thể, các nhà quản lý hãy cho thấy quyết tâm nâng tầm thể thao Việt Nam qua 2 chiến dịch lớn trong năm 2011 là SEA Games và vòng loại Olympic London 2012.