Tuyển nữ VN sẽ gặp nhiều khó khăn nếu vắng Mỹ Trang Ảnh: TR.D.
Theo thông tin từ bộ môn bóng bàn VN, trong thời gian chờ đợi câu trả lời chính thức, hiện nay bộ môn bóng bàn cố gắng tìm cách thuyết phục TP.HCM cũng như Mai Hoàng Mỹ Trang thu xếp lên tuyển bởi hiện nay Mỹ Trang là đầu tàu của đội nữ.
Tại Giải vô địch quốc gia 2011, Mỹ Trang đã đoạt 4 HCV ở các nội dung đơn nữ, đôi nữ, đôi nam - nữ, đồng đội nữ. Tuy nhiên theo danh sách dự kiến, những đồng đội từng sát cánh với cô trong việc đoạt các HCV nói trên ở đội Viễn Thông TP.HCM không ai có tên trong danh sách tập trung đợt này. Đó cũng là một trong những lý do khiến Mỹ Trang cũng như HLV Từ Nhân Luân xin rút trong lần tập trung này.
Sáng 30-5, HLV Nhân Luân cho rằng đối với anh, công việc cá nhân có thể thu xếp được. Nhưng một khi nhiệt huyết không còn, đặc biệt là HLV không có quyền đứng ra tuyển chọn VĐV nên anh không nhận lời lên tuyển lần này. Còn Mỹ Trang chỉ nói ngắn gọn: “Tôi vẫn muốn đóng góp cho đội tuyển nhưng một thân một mình phải ra Nhổn tập trung trong thời gian từ nay đến cuối năm là quá lâu. Hơn nữa, hiện nay mẹ tôi đang bệnh cần có người gần gũi chăm sóc”.
Theo nguyện vọng của Mỹ Trang, nếu được đặc cách tập huấn tại TP.HCM cô sẽ cố gắng đảm bảo các yêu cầu về chuyên môn. Ngược lại, nếu bắt buộc phải ra Nhổn tập huấn, cô sẽ chọn lựa gia đình.
Sau khi tay vợt kỳ cựu Mai Xuân Hằng giã từ bóng bàn để rẽ sang con đường du học, đội tuyển nữ hiện nay đang khủng hoảng lực lượng trầm trọng. Và việc tìm ai, chọn ai để đội nữ có chất lượng chuyên môn đồng đều nhằm đảm bảo cơ hội vào sâu các nội dung trong cuộc chơi ở SEA Games 26 tới đây đang là bài toán đau đầu ban huấn luyện.
Vì vậy, việc Mỹ Trang từ chối lên đội tuyển, bóng bàn nữ VN không chỉ mất một đầu tàu đồng thời cũng thiếu vị trí số 1 trong đội hình.
Trong khi đó ở nội dung nam, sau sự cố bỏ cuộc hàng loạt tại Giải vô địch bóng bàn thế giới diễn ra tại Hà Lan, hiện nay một số trụ cột trong đội tuyển như Đoàn Kiến Quốc, Trần Tuấn Quỳnh đang rơi vào tâm trạng chán nản, không còn khát khao cống hiến cho đội tuyển. Theo những người trong cuộc, sau sự cố này lẽ ra những người có trách nhiệm phải nghiêm túc nhận ra sai sót để từ đó rút kinh nghiệm, đằng này lại quay sang đổ lỗi cho VĐV với lý do: “Chưa có sự cho phép của lãnh đạo lại tự ý phát biểu với báo chí” và bắt VĐV phải giải trình.
Trao đổi với chúng tôi, một VĐV (đề nghị không nêu tên) than thở: “Thú thật trong tâm trạng chán nản như hiện nay, dù có lên tuyển chúng tôi cũng chỉ cố gắng hoàn thành trách nhiệm để đừng bị xem là “chống lệnh” mà thôi chứ không còn khát khao cống hiến”.