Với người hâm mộ thể thao, nhắc đến xe đạp địa hình là nghĩ ngay tới những cuarơ dũng cảm trong bộ đồ bảo hiểm kín mít phóng ào ào xuống núi. Xe đạp địa hình với nhiều người giờ đã trở thành môn thể thao xa lạ. Một năm duy trì hai giải là vô địch và trẻ quốc gia, lèo tèo 4-5 VĐV trong nội bộ đội tuyển tranh chấp.
Nhớ lại những năm đầu tiên khi mới được đưa vào thi đấu, ngày đua địa hình luôn “ồn ào” nhất. Số VĐV và lực lượng cổ vũ hết sức đông đảo. Là nội dung đua cuối cùng nên rất nhiều VĐV đường trường tham gia, ai cũng muốn thử chinh phục sự khó khăn của đường đua cùng cảm giác mạo hiểm.
Xe đạp địa hình với nhiều người giờ đây đã trở thành môn thể thao xa lạ. Ảnh: Internet
Không có xe chuyên dùng, các VĐV đua bằng xe… mua ngoài chợ. Đi giày vải, bị lọt xuống sình, nhiều VĐV dẫn bộ chạy qua tới đường khô thì trên chân chỉ còn đôi tất. Xe thường thì bàn đạp hay có răng cưa, hồi đó tay đua Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Hiệp (Cảng Sài Gòn) đều bị mất giày nhưng chẳng ai chịu bỏ cuộc. Về đến đích rồi, giơ chân lên ai nhìn thấy đều xót xa vì vết thủng ở bàn chân, chỗ nhấn pêđan toét ra lẫn trong sình đất.
Những năm sau đua ở Hòa Bình, các VĐV “chuyên nghiệp” hơn khi dùng giày có can của đường trường. Đường khó, dốc cao và lầy bùn đất, nhiều khi té “lộn cổ” chỉ vì đến đoạn khó không gỡ được giày ra khỏi pêđan… Vậy mà ai cũng hào hứng.
Sôi động được khoảng 4 năm, năm 2001 khi có chuyên gia Đài Loan, đường đua trở nên quá khó. Những dốc đổ xuống thẳng đứng được báo chí đặt những cái tên như “rùng rợn đường đua"… đã làm sởn gai ốc bất cứ ai không được tập luyện cùng chuyên gia. Thế là suốt từ đó, đường đua độc quyền dành cho VĐV đội tuyển.
Những năm sau, cuộc đua địa hình được đưa về Hòa Bình và Tri Tôn (An Giang), hai tỉnh thuộc vùng sâu vùng xa. Lực lượng VĐV mỏng dần, ở các địa phương huấn luyện viên hầu như không có. Các giải đấu ngày càng trở nên thưa vắng, kém hấp dẫn nhưng thừa tiêu cực, cộng với điều kiện tác nghiệp quá khó khăn đã không còn đáng chú ý với giới truyền thông.
Tất cả đã làm các địa phương không còn mặn mà với việc phát triển địa hình. Đồng Tháp vốn có truyền thống địa hình nam, đến nay chỉ còn duy nhất Đinh Quốc Việt nhưng cũng chỉ đến giải mới thi đấu. Anh lấy tới 3 HCV tại giải đại hội năm 2010!
Khi đề cập đến vấn đề tài trợ cho đua xe đạp địa hình, giới truyền thông thường có câu: “Ai mà thèm tài trợ cho xe đạp địa hình, đua toàn ở nơi xa lắc xa lơ, chẳng ai biết. Muốn truyền hình cũng không được, có gì hấp dẫn được nhà tài trợ?”.
14 năm trước, xe đạp địa hình lần đầu có mặt tại SEA Games 19 Indonesia, dàn VĐV đầu tiên đem lại “tiếng tăm” cho môn thể thao mới này đã nghỉ, giờ đây phong trào địa hình ngày một “teo tóp”. Điểm sáng duy nhất còn lại với địa hình là nội dung dành cho nữ vừa được bổ sung vào SEA Games 26, với gương mặt mới Đinh Thị Như Quỳnh (Hà Nội).
Không biết những nhà quản lý suy nghĩ gì về việc một môn thể thao vốn tự nó đã hấp dẫn nhưng đến nay bị chính đội ngũ VĐV, HLV lắc đầu ngán ngẩm.