NAM GIỚI » Môn khác

Vận động viên khuyết tật Trịnh Công Luận: “Cứ đi, rồi sẽ tới”

Thứ ba, 03/05/2011 14:49

Trong số các vận động viên khuyết tật tại TP.Hồ Chí Minh, Trịnh Công Luận có lẽ là cái tên hoàn hảo nhất để điền vào danh sách những vận động viên “thường trực”.

Không bao giờ bỏ cuộc

Cho đến bây giờ, khi đã ngấp nghé cái tuổi ngoại tứ tuần, với Luận, hầu như không có khái niệm “không thể” cho những điều “có thể”. Anh quan niệm một cách rắn rỏi rằng: “Người ta có thể đi hết một đoạn đường trong vòng 1 tiếng đồng hồ thì chẳng có lý do gì để tôi không thể đi hết nó. Chỉ có điều tôi cần nhiều thời gian hơn những người khác mà thôi”.

 

Với đôi chân bị liệt từ lúc mới 11 tháng tuổi, tưởng như cuộc đời đã tối sầm trước mắt, nhưng Luận lại lấy đó làm nghị lực sống cho mình. Trong khi bao nhiêu bạn bè còn loay hoay với tấm bằng tốt nghiệp THPT, năm 1990, Luận khăn gói lên Sài Gòn thực hiện giấc mơ của mình. Đó đơn giản là mong muốn học đại học để sau này có được một việc làm ổn định nuôi sống bản thân.

Lần đầu tiên xa nhà lên thành phố học tập, cũng như bao sinh viên tỉnh lẻ, Trịnh Công Luận không khỏi cảm thấy lạ lẫm, đôi khi chán nản. Đôi chân tật nguyền vốn đã gây khó khăn cho anh trong sinh hoạt, cộng thêm bản tính hướng nội, ít khi nói chuyện với người lạ càng khiến anh chậm hòa nhập với môi trường mới. Tuy nhiên, ông trời vốn cũng rất công bằng với Luận. Không có được sự nhanh nhảu trong giao tiếp, nhưng anh luôn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong con mắt người khác bằng bản lĩnh sắt đá giống như một thứ vàng ròng đã được trui rèn qua bao lò lửa cuộc đời.

“Tính tôi sinh ra dường như đã ngang tàng thế rồi. Tôi không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc nếu tôi biết rằng mình vẫn có thể làm được”.

Đường ở dưới chân

Trong số các sinh viên Đại học Mở thời bấy giờ, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh chàng sinh viên nghèo ham học, mỗi sáng đều đặn đến trường trên chiếc xe lăn, tan học lại lăn xe về ký túc xá nơi anh trai đang học Y để “tranh thủ” ở ké. Ngày ấy, cũng thấm thía biết bao thiếu thốn khó nhọc của đời sinh viên, anh kể: “Cái sự ở chui lắm lúc cũng phiền phức. Bị bảo vệ đuổi là chuyện thường. Nhưng mình biết là không thể tự ái mà bỏ đi được, lại dạt ra đâu đó, chờ thời cơ thuận tiện mà lẻn vào lại. Lâu dần, họ cũng quen, thương mình tật nguyền nên không nói gì nữa”. Đó cũng chính là khoảng thời gian chàng sinh viên họ Trịnh bắt đầu “bén duyên” với thể thao.

Trước khi đến với điền kinh, Công Luận đã từng thử sức ở môn bơi lội. Tuy vậy, dù chơi môn nào, anh cũng là một VĐV hết sức nghiêm túc trong tập luyện. “Chơi thể thao quan trọng nhất là sức khỏe. Phải đảm bảo tập đúng các bài tập, phối hợp với HLV mới có thể đạt được hiệu quả tốt”.

Với tấm bằng tốt nghiệp đại học, cộng bản tính chăm chỉ hiền lành, Luận có thể tìm được nhiều việc làm phù hợp với chuyên môn của mình. Và thực tế, anh cũng đã “cày” không ít chỗ. Có những thời gian dài, người làm báo TP.HCM biết đến Luận như một nhân viên design cho các tờ báo, tạp chí có tiếng ở đất Sài thành, trước khi anh quyết định nghỉ việc hẳn để tập trung toàn bộ tâm huyết cho thể thao.

Hiện nay, Công Luận là một trong số rất ít những VĐV khuyết tật đang tập luyện với toàn thời gian, mặc dù không được hỗ trợ kinh phí gì từ các ban ngành thể thao. Thế nên với anh, quyết định bỏ việc theo đam mê, có nghĩa là đánh cược với cuộc sống “vật giá leo thang”. “Cũng may nhờ tôi đi thi đấu thường giải nào cũng có huy chương, nên tiền thưởng cũng đủ sống, chứ không thì chắc lao đao lắm”.

Mơ về một mái nhà

Vừa lập gia đình vào cuối năm 2010, người đàn ông Đất Mũi giàu nghị lực này càng có động lực để phấn đấu cho những mục tiêu mới của đời mình. Hiện tại, hai vợ chồng anh đang sống tạm tại một căn nhà thuê ở gần chợ Tân Bình để tiện việc đi lại luyện tập cho anh. Căn nhà nhỏ được ngăn ra, phía trước mở một tiệm tóc cho vợ kiếm thêm thu nhập. Khi có người tỏ ra ái ngại cho anh, anh chỉ cười: “Thực ra cũng không đến mức khổ sở, chỉ là bấp bênh thôi”.

Nói thế, nhưng trong thâm tâm, Công Luận luôn canh cánh bên lòng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Những chiếc huy chương đối với anh, thật sự không chỉ là mục tiêu để bước đến vinh quang, để cháy hết mình với niềm đam mê, mà còn vì miếng cơm manh áo, vì một căn nhà của riêng mình, để mỗi tháng không phải ám ảnh bởi mấy triệu tiền thuê trọ (anh đã mua được đất nhưng chưa có tiền xây nhà). Tuy nhiên, với đà thành tích như thời gian vừa qua, đặc biệt là sau chiếc HCB đáng quý tại Asian Para Games 2010, có lẽ chỉ hai, ba mùa giải quốc tế nữa, Luận đã có thể mơ về một mái nhà thật sự.

“Chỉ sợ chấn thương trước giải đấu thôi. Như thế thì coi như “mất trắng”. Công Luận trầm ngâm. Với anh, dường như không có điểm dừng cho những khát vọng trong thể thao, khi vẫn đặt mục tiêu rất rõ ràng cho mình: 3HCV cho giải toàn quốc và 2HCV, 1HCB cho những giải quốc tế. Nhưng cuộc sống đã dung hòa cái bản tính ngang tàng của anh bằng sự hài lòng với hạnh phúc hiện tại. Mỗi ngày đi ra từ tổ ấm và lại trở về tổ ấm, bên người vợ hiền biết chia sẻ cảm thông, có lẽ không người đàn ông nào không hạnh phúc.

Và như thế, hẳn Trịnh Công Luận là một người đàn ông hạnh phúc, dẫu cho cuộc đời đã bất công với anh bao nhiêu lần đi chăng nữa.

Trịnh Công Luận đoạt ba HCV cho ba môn lao - tạ - đĩa tại Ðại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2006 tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh, phá kỷ lục Fespicgames châu Á - Thái Bình Dương môn đẩy tạ với thành tích 9,60m, vượt qua mức 9,37m do một VÐV Trung Quốc thiết lập từ năm 2002. Anh đã từng nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, và đã từng vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Anh là một tấm gương mẫu mực cho tinh thần, nghị lực và ý chí của những người không may mắn. Asian Para Games 2010 tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 12/2010, Trịnh Công Luận đã mang về cho Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam 1 tấm HCB.

Tinthethao.com.vn