NAM GIỚI » Môn khác

"VĐV Karatedo Vũ Nguyệt Ánh bị bỏ rơi khi chấn thương là trò bịa đặt"

Thứ tư, 17/08/2011 11:59

HLV Lê Công tỏ ra rất bức xúc: “Tôi không hiểu tại sao lại có thông tin đó. Nói Ánh bị bỏ rơi là hoàn toàn không đúng".

"Trên thực tế Ánh đã được phẫu thuật ngay sau khi bị chấn thương. Và bây giờ Ánh vẫn đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games. Thầy trò chúng tôi xác định với nhau đã đi theo nghiệp thể thao là phải chấp nhận gian nan, vất vả và chấn thương là việc tất yếu phải trải qua.

Hiện 2 thầy trò đã điều tiết lượng vận động cho phù hợp để Ánh có thể vừa tập luyện, vừa điều trị và có thể thi đấu thêm kỳ SEA Games này nữa. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha của Ánh”.

Nguyệt Ánh (phải) vẫn đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games. Ảnh: Internet

Nguyệt Ánh cũng cho biết: “Bản thân tôi định giã nghiệp sau khi ASIAD 16 kết thúc nhưng được sự động viên của bác Lê Công, tôi lại tiếp tục tập luyện và thi đấu tiếp kỳ SEA Games này. Tôi vẫn muốn tiếp tục cống hiến cho thể thao, kể cả sau này không thi đấu nữa thì tôi cũng mong muốn được cống hiến trên cương vị HLV”.

Chiều qua (16.8), bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, người trực tiếp chăm sóc quá trình chữa trị chấn thương của Nguyệt Ánh cho biết: “Chấn thương của Nguyệt Ánh thì không chỉ chúng tôi mà ngay cả các lãnh đạo ngành đều biết và quan tâm thường xuyên.

Hằng tuần chúng tôi đều có báo cáo và thường xuyên cập nhật về tình hình sức khỏe của các VĐV, trong đó có Nguyệt Ánh”.

Bác sĩ Hiền cho biết, năm 2008, sau khi bị chấn thương Nguyệt Ánh đã được các bác sĩ ở Bệnh viện 108, bệnh viện TTVN, Tiến sĩ Moss - chuyên gia đầu ngành của Đức về xương khớp khám và sau đó Ánh đã được các bác sĩ ở Bệnh viện 108 phẫu thuật nội soi.

Tuy nhiên chấn thương của Ánh là một dạng chấn thương rất đặc biệt nên ở thời điểm mới bị chấn thương, chỉ ở dạng tổn thương vi thể nên không thể giải quyết triệt để chỉ qua một lần phẫu thuật.

Trước khi đi ASIAD 16 năm 2010, chấn thương của Ánh tái phát nặng hơn và đã được xử lý kịp thời bằng cách tiêm thuốc trực tiếp vào khớp. Sau đó Ánh đã dần bình phục và thi đấu ASIAD, đoạt HCB.

Đầu năm 2011, các bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cho VĐV và với trường hợp của Ánh đã tiến hành chụp cộng hưởng từ và phát hiện Ánh bị tổn thương sụn khớp. Chấn thương của Ánh gọi tên là hội chứng bánh chè xương đùi, bản chất là tổn thương sụn khớp bánh chè xương đùi, thường thì do nguyên nhân vận động quá tải mà ra. Y học VN chưa thể phẫu thuật để chữa trị chấn thương loại này.

Hiện chỉ có các nền y học tiên tiến mới chữa trị được nhưng hiệu quả lại chưa cao mà chi phí cho việc ghép sụn rất đắt. Chẳng hạn trước đây tiền vệ Minh Chiến đã bị chấn thương dạng này nhưng ngay cả khi điều trị từ Đức về thì hiệu quả cũng không như mong đợi. “Với những chấn thương dạng này, sau khi phẫu thuật xong, VĐV sẽ phải cần một khoảng thời gian, ít là 1-2 năm để hồi phục.

Theo phác đồ điều trị thì ngày 21.8 tới, các chuyên gia của Bệnh viện Park Way (Singapore) mới sang VN và Ánh sẽ được đưa đến đó để khám và từ đó có thể tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả. Hiện Ánh vẫn đang vừa tập luyện vừa điều trị theo phác đồ của chúng tôi”, bác sĩ Hiền cho biết thêm.

Trưởng Bộ môn karatedo Tổng cục TDTT Vũ Sơn Hà cũng bức xúc: “Chúng tôi chưa bao giờ bỏ rơi VĐV bị chấn thương. Từ năm 1999 tới nay, không chỉ Nguyệt Ánh mà rất nhiều VĐV karatedo bị chấn thương đều được chữa trị đến nơi đến chốn. Bản thân chúng tôi cũng luôn nhắc HLV Lê Công VĐV Nguyệt Ánh thu xếp thời gian để chữa trị chấn thương nhưng mong muốn của họ là được tiếp tục hết SEA Games này”.

Chấn thương của Nguyệt Ánh thì không chỉ chúng tôi mà ngay cả các lãnh đạo ngành đều biết và quan tâm thường xuyên. Hằng tuần chúng tôi đều có báo cáo và thường xuyên cập nhật về tình hình sức khỏe của các VĐV, trong đó có Nguyệt Ánh. (Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền).

Tôi không hiểu tại sao lại có thông tin đó. Nói Ánh bị bỏ rơi là hoàn toàn không đúng. Trên thực tế Ánh đã được phẫu thuật ngay sau khi bị chấn thương. Và bây giờ Ánh vẫn đang tập luyện chuẩn bị cho SEA Games. Hiện 2 thầy trò đã điều tiết lượng vận động cho phù hợp để Ánh có thể vừa tập luyện, vừa điều trị và có thể thi đấu thêm kỳ SEA Games này nữa.  (HLV Lê Công).

Tất cả các VĐV khi đã lên đội tuyển QG đều được chăm sóc và chữa trị chấn thương kịp thời. Chẳng hạn từ đầu năm tới giờ có tới hơn 10 trường hợp bị chấn thương gối, vai... đều được các bác sĩ chữa trị thành công. Tôi mong muốn trường hợp của Ánh cũng vậy. Với mong muốn được sang Đức hay một nước nào đó chữa trị chấn thương như trường hợp của Ánh, nếu sau khi các bác sĩ khám và chỉ định như thế, chúng tôi sẽ tạo điều kiện đến mức tối đa, dù việc đưa VĐV đi nước ngoài chữa trị là vượt khả năng của ngành. (Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng).

Văn hóa Online
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới