NAM GIỚI » Môn khác

VĐV QG sau chấn thương: Thành tích cao cũng là… “vàng thải”?

Thứ hai, 12/09/2011 14:34

Bị coi như vàng thải, đãi ngộ không tương xứng, khó khăn khi trở lại hòa nhập cộng đồng… là những trăn trở của các vận động viên tài năng.

Chị Dương Thị Thiệp (cựu VĐV Karatedo Quốc gia): Hụt hẫng, mất phương hướng

Tôi tham gia tập luyện môn võ Karatedo được 11 năm, trong đó tập trung tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia từ năm 1998. Đến năm 2002 thì tôi giải nghệ vì phải tập trung nhiều cho việc học để thi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tôi từng đoạt huy chương Vàng, Bạc tại các giải Vô địch Quốc gia và các giải mở rộng khu vực Đông Nam Á.

Nhìn chung, trong thời gian tôi là VĐV thì các chế độ đãi ngộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, các chế độ sau khi giải nghệ không có nên tôi cũng rất lo lắng. Bởi lẽ, khi không còn làm VĐV nữa, chúng tôi không tránh khỏi hụt hẫng, thậm chí là mất phương hướng trong công việc, chưa kể những chấn thương trong quá trình thi đấu chưa hoàn toàn khôi phục cũng gây khó khăn ít nhiều trong vận động.

Hiện nay, tôi đang làm việc tại Công ty Cổ phần Cộng lực Bắc Nam cùng các VĐV đàn anh như Trần Văn Thông, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Ngọc Long. Tôi biết, không phải VĐV nào sau khi giải nghệ cũng có được may mắn về công việc như thế.

Thực tế thì những nỗ lực của các HLV và VĐV là rất vất vả mà cuối cùng chẳng được quan tâm xứng đáng. Ngoài những khoản lương, thưởng, đãi ngộ theo quy chế vốn bị giới VĐV thể thao đỉnh cao kêu ca từ nhiều năm qua thì chủ yếu phải dựa vào khoản tiền tài trợ để trang trải cho những chuyến đi tập huấn ở nước bạn. Đây chính là một trong những trăn trở, bức xúc của các HLV và VĐV.

Nói thế để thấy thương hiệu VĐV thể thao đỉnh cao của Việt Nam dường như vẫn không được coi trọng, đánh giá đúng tầm và tất nhiên chế độ đãi ngộ vẫn chưa tương xứng. Khi lãnh đạo ngành còn chưa quan tâm thì có mấy nhà tài trợ quan tâm đến! 

Tôi rất mong Nhà nước có chế độ đãi ngộ đối với VĐV tài năng, xây dựng cơ chế đặc thù cho HLV, VĐV trọng điểm, xuất sắc… Đặc biệt, cần giải quyết một số bất cập về chế độ tiền công, chế độ tiền ăn cho VĐV, tiền thưởng, chế độ BHXH, BHYT đối với VĐV, HLV cho phù hợp, tạo điều kiện cho họ trong việc xét tuyển công chức, viên chức… Làm được như thế thì VĐV sẽ yên tâm mà cống hiến, những VĐV thành tích cao cũng sẽ không còn bị coi là “vàng… thải”.

Bee.net
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới