NAM GIỚI » Sự nghiệp

Muôn màu cầu thủ Tây đón Tết ta

Thứ năm, 26/01/2012 11:01

Ngoài sự hào hứng tìm hiểu Tết truyền thống của nước sở tại, đa phần ngoại binh xem “Tết ta” là thời gian để họ “xả stress”, và cũng vì thế đã có không ít ấn tượng xấu của người bản xứ dành cho những cầu thủ gắn mác tây.

Nhập gia tùy tục

Cũng như đa phần các lao động làm việc ở Việt Nam, các ngoại binh luôn nhận được những khoản thưởng lì xì lớn từ BLĐ đội bóng dịp Tết Nguyên Đán. Thậm chí có nhiều đội còn lập hẳn một kế hoạch đón Tết hoành tráng cho các ngoại binh xa nhà. Thông thường, các ngoại binh sẽ được “ông chủ” đội bóng mời đến nhà ăn giao thừa cùng, hoặc là một nhóm cầu thủ sẽ cùng tổ chức một chương trình ở những khu du lịch nổi tiếng.

Huỳnh Kesley đã quen với Tết cổ truyền Việt Nam

Vì thế, thời gian nghỉ Tết tới gần nửa tháng, song không có nhiều cầu thủ chọn giải pháp về quê thăm gia đình, người thân. Nhất là những cầu thủ có người yêu là người Việt Nam như Samson, Evaldo, Antonio…. thì đây lại là cơ hội để họ có thể tìm hiểu thêm về văn hoá Việt….Và đương nhiên, điểm đến của những chàng cầu thủ này là gia đình của người yêu và những khu du lịch của Việt Nam bên cạnh “một nửa” của mình những ngày Tết.

Cầu thủ có thâm niên ăn Tết Nguyên Đán như Kesley Alves cho biết cũng từ những chuyến đi xuyên việt đầy cảm xúc bên cạnh người yêu Lộc Lê thì anh mới cảm thấy yêu đất nước này hơn, và quyết định gắn duyên với người Việt.

Những cầu thủ đã có thâm niên ăn Tết Việt như Amaobi thì quãng nghĩ này với họ thật sự là thời gian đáng giá, thói quen đón Tết cùng người Việt đã ăn với máu của họ…nên cũng muốn ở lại Việt Nam thay vì về quê thăm gia đình.

Samson sẽ ở lại ăn Tết Nguyên Đán

Riêng như trường hợp của những tân binh mới đến Việt Nam như Việt Kiều Johnny Nguyễn thì đây là thời điểm anh muốn về Pháp, vì ngoài việc hoàn tất thủ tục nhập tịch Việt Nam, thì anh cho biết rất nhớ cô bạn gái người Pháp.

Chơi như từng được chơi

Tuy nhiên, với đa phần những ngoại binh chơi ở Việt Nam thì họ xem dịp nghỉ Tết Nguyên Đán là thời gian quý giá để họ thoả sức vui chơi. Và cũng vì thế, đã có không ít những chuyện không hay xảy ra ở những nơi mà các cầu thủ gắn mác “tây” này tham dự.

Bar với nhạc mạnh và những cô gái ăn mặc mát mẻ là lựa chọn của không ít cầu thủ "tây"

Khu phố Phạm Ngũ Lão - Đề Thám vẫn là địa điểm quen thuộc để các ngoại binh ở khắp mọi nơi tề tựa về. Tuy nhiên, sự tập hợp này không đơn thuần hiểu theo nghĩa là cùng nhau chơi vui, mà được chia theo nhóm khác nhau, theo đẳng cấp, theo quốc tịch… Có nhiều cầu thủ, nhất là những người đến từ Phi Châu thường mang theo những bạn bè, người thân (không phải cầu thủ) sang Việt Nam mưu sinh… Thế nên, khi họ cùng xuất hiện ở những quán bar thì những đồng nghiệp với nhau này lại nhìn nhau bằng con mắt “hình viên đạn”.

Người viết đã hơn một lần mục sở thị những cuộc cãi vã, oánh lộn…ngay ở quán của những nhóm cầu thủ với nhau, chỉ vì những lý do hết sức lãng xẹt. Những người chủ quán ở đây cũng cho biết, đối với những đối tượng cầu thủ họ không khó để nhận ra với các khách khác đơn thuần qua Việt Nam du lịch.

Cộng đồng ngoại binh ở Việt Nam hết sức phức tạp và không chỉ dừng lại ở những người chơi trên sân cỏ. Thực tế, đã không ít ngoại binh đã bán linh hồn cho quỹ dữ, tất nhiên đó vẫn là thiểu số trong tổng số cả trăm ngoại binh đang mưu sinh ở Việt Nam bằng nghiệp cầu thủ.

Những cầu thủ đến từ Phi Châu thường mang theo những bạn bè, người thân (không phải cầu thủ) sang Việt Nam mưu sinh và làm nảy sinh những rắc rối

Sau những cuộc vui ở những quán nhạc mạnh, thì cũng là lúc các nhóm tách ra, họ bắt đầu thuê riêng cho mình những chiếc xe máy để bắt đầu những cuộc khám phá Sài Gòn về đêm…

Có thể nói, hơn mười năm bóng đá Việt Nam lên chuyên, cũng là quá đủ để những cầu thủ “tây” quen thuộc với các ngóc ngách ở nước sở tại, người mới đến thì có người cũ làm “quân sư”, và tất nhiên cái câu “tháng giêng là tháng ăn chơi” của người Việt cũng được họ thấm nhuần.

Infonet