NAM GIỚI » Sự nghiệp

Những "nạn nhân" nổi tiếng của bạo lực trong bóng đá Việt

Thứ tư, 15/02/2012 15:20

Bạo lực sân cỏ gia tăng không chỉ khiến các nhà tổ chức lo lắng, chất lượng chuyên môn đi xuống mà còn trở thành nỗi ám ảnh của các cầu thủ khi chấn thương xảy ra bất cứ lúc nào và nguy cơ giải nghệ hiển hiện trong mỗi lần ra sân...

Từ quá khứ... Có lẽ cho tới giờ, Trần Minh Chiến, tiền đạo xuất sắc một thời của BĐVN, mỗi khi nhắc lại giây phút chia tay sân cỏ của mình đều không thể giấu được sự ngậm ngùi, tiếc nuối. Trước Tiger Cup lần đầu tiên, trong một buổi đá tập trên sân Thống Nhất, anh đã ngã gục xuống sân sau pha va chạm với đội đồng đội. Tiền sử chấn thương, thêm pha tranh chấp quyết liệt ấy đã biến chàng trai 21 tuổi đời đầy tài năng vĩnh viễn rời sân cỏ.

Chấn thương đã cướp đi một trong những chân sút tài năng nhất của bóng đá Việt. (Trên ảnh: Danh thủ Trần Minh Chiến)

Cũng chẳng hơn gì người đồng lứa, trung vệ danh tiếng của BĐVN Đỗ Khải cũng phải giải nghệ sớm vì chấn thương, sau nhiều năm chữa trị không ngừng. Và để kết thúc sự nghiệp của trung vệ từng khoác áo Hải Quan (giờ đã giải thể) cũng không ngoài điều gì khác chính là từ lối chơi quyết liệt có phần triệt hạ ấy của đối thủ. Rồi rất nhiều cái tên danh tiếng nữa của bóng đá Việt Nam đã phải rời sân cỏ vì chấn thương, là nạn nhân của lối chơi bạo lực vốn đã ăn sâu vào nhiều đội bóng, vào nhiều cầu thủ... May mắn hơn so với các đồng nghiệp người Việt, trung vệ Niweat suýt nữa phải giải nghệ chấn thương cột sống trong trận đấu với ĐT.LA ở mùa bóng 2006.

Tài Em cũng phải chật vật với cơn ác mộng chấn thương

May mắn hơn, bởi một điều cầu thủ người Thái được chăm sóc y tế tốt hơn và quan trọng hơn nữa, Niweat chuyên nghiệp hơn trong sinh hoạt của mình để rốt cuộc bước qua được nỗi ám ảnh đến từ lối chơi bạo lực của các đồng nghiệp Việt Nam... ... đến hiện tại Quãng chục năm trở lại đây, sân cỏ Việt chứng kiến rất nhiều những pha bóng khốc liệt chẳng kém so với những gì mà Trần Minh Chiến, Đỗ Khải hay Niweat phải nhận. Trong sự nghiệp của mình có lẽ thủ môn Đức Anh (SLNA) khó có thể quên pha bóng va chạm với Timothy, để rồi ngay sau đó thủ thành này đã phải nhập viện khẩn cấp với cái chân gãy lìa không khác gì một tai nạn giao thông. Rồi Tài Em, Hữu Thắng... những tiền vệ vô cùng tài năng của BĐVN cũng phải nhận những chấn thương khốc liệt chẳng kém như thế trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình. Và nếu như có một con số thống kê cụ thể về mức độ chấn thương từ những pha bóng ác ý của đối thủ trên sân cỏ Việt trong vòng 10 năm trở lại đây, có lẽ là rất nhiều. Bởi chỉ cần nhìn vào danh sách "bệnh nhân" ở bệnh viện Y học thể thao, bệnh viện quân đội 175, chấn thương chỉnh hình hoặc các trung tâm chữa trị chấn thương tại Singapore, người theo nghiệp bóng đá chiếm phần lớn. Bóng đá càng lên chuyên, chấn thương vì những pha bóng quyết liệt càng lớn, khi mức độ cạnh tranh cao. Thậm chí, đôi khi chơi quyết liệt tới mức triệt hạ như thế không chỉ là về thành tích mà còn những câu chuyện sau hậu trường. Dù vậy, cũng rất may cho nhiều cầu thủ thế hệ đàn em của Minh Chiến, Đỗ Khải... sau này y học trong thể thao, sự chuẩn bị về y tế ở các đội bóng đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Để rồi những chấn thương nặng của Công Vinh, Tài Em thậm chí là Hữu Thắng (khi từng được chẩn đoán không thể đá bóng) rốt cuộc cũng được chữa trị kịp thời để có thể tiếp tục theo nghiệp của mình. Nói thì khá đơn giản, nhưng để có thể trở lại sân cỏ Công Vinh, hay nhất là Hữu Thắng (Bình Dương) đã phải nỗ lực và tốn tiền như thế nào.

Công Vinh tốn không biết bao tiền để mong tìm lại được phong độ cũ sau khi phải làm "thương binh"

Công Vinh ngoài tiền được đội bóng cũ HN.T&T hỗ trợ, thậm chí đã bán cả xe hơi để lấy tiền sang Bồ Đào Nha mổ cũng như điều trị phục hồi. Hữu Thắng cũng tốn chẳng kém với những chuyến bay như con thoi qua Thái, Sing và thậm chí là Mỹ để mổ, điều trị và mất rất lâu sau mới có thể ra sân và chơi bóng trở lại trong hoàn cảnh không thể phục hồi 100% khả năng... Đó là những cầu thủ thuộc diện "có điều kiện", còn ở Việt Nam phần đông đều điều trị trong nước khi không đủ tiền ra nước ngoài chạy chữa. Và tất nhiên, để có thể trở lại đã là cả một vấn đề huống gì là lấy lại phong độ, dù chỉ bằng phân nửa so với trước đó. May mắn vì có nền y tế hiện đại, chuyên nghiệp để trở lại sân cỏ. Nhưng với những gì đang diễn ra, và có dấu hiệu tăng mạnh, e rằng sẽ không còn những điều may mắn như thế nữa. Thật vậy, bởi bóng đá Việt bây giờ không chỉ là chơi quyết liệt nữa mà đã là cố tình triệt hạ đối thủ. Mà nếu thế, e rằng, y học cũng sẽ phải lắc đầu...

Vietnamnet