Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cái hiện thực tưởng chừng hiển nhiên ấy là một câu chuyện khác....
Tất cả những giả thiết dưới đây đều là giả tưởng Michel Platini không cao (chỉ 1m78); cũng chẳng huyền ảo đến độ được cả thế giới phong thánh như Cruyff, phong đế như Beckenbauer hay phong vương như Pele; nhưng cựu danh thủ người Pháp lại hơn hẳn những bậc tiền bối ở cái tài làm quan sau khi dứt nghiệp quần đùi áo số. Không phải bỗng dưng mà Chủ tịch UEFA được liệt vào hàng ngũ những ứng cử viên sáng giá thay thế Sepp Blatter, sau khi ông này “về vườn”. Và chỉ cần hơn 4 năm kể từ khi thay thế Lennart Johansson, cựu danh thủ người Pháp đã để lại những mốc son đáng nhớ trên chính trường.
Chẳng khó để liệt kê ra những ý tưởng “độc” mà vị vua bóng đá của lục địa già đã sáng lập trong nhiệm kỳ qua: Luật công bằng tài chính cho các CLB, Tăng số lượng đội bóng tham gia VCK Euro lên 24, Công thức 6+5 cho các giải vô địch quốc gia… Nhưng nếu đem so những điều đó với ham muốn của Platini thì chẳng khác nào phần nổi của một tảng băng chìm.
Nói đâu xa, cứ nhìn vào danh sách đề cử Quả bóng vàng FIFA là thấy.
Ngoại trừ một năm 2008 xuất thần của giải Ngoại hạng, với ba cái tên sau cùng đều thuộc Premier League: Ronaldo, Rooney, Torres; thì từ năm 2009 trở đi (cho đến cả bây giờ), những ứng viên sau cùng chưa khi nào nằm ngoài khuôn khổ La Liga. Đồng ý là Premier League đang đi xuống, còn Serie A hay Bundesliga chẳng đáng để nhắc tới, nhưng với một người suốt ngày sa sả nhắc đến “Tự do, bình đẳng, bác ái” như Platini, thì việc “nhai đi nhai lại” một điệp khúc suốt ba năm thì đến một đứa trẻ cũng phải phát ngán.
Nhưng vị chủ tịch 56 tuổi làm như vậy là có “dụng ý” riêng cả. Bóng đá, suy cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, mà ở đó, người ta mong muốn và hy vọng tìm thấy những điều “vui vẻ”. Vậy Platini đã tìm thấy những gì từ cuộc bầu chọn đó?
Thứ nhất phải kể đến đó là tiền. Nguồn thu nhập hàng tháng của chức Chủ tịch UEFA chưa khi nào thoát khỏi mắt của các nhà kiểm toán. Trong khi những chuyến công du dài ngày đến các miền đất hứa khiến đồng lương “còm” ấy khó lòng chi trả nổi. Muốn ăn thì phải lăn vào bếp. Đấy là người thường, còn như Platini thì có người sẵn sàng mang quà đến biếu, tội gì ông không... nhắm mắt làm ngơ. Cho mấy cậu ở La Liga (hay nói thẳng là của Real Madrid và Barca) vào vòng chung khảo, thế nào Florentino Perez và Sandro Rosell chẳng đến gõ cửa tận nhà. Dù gì cũng là tăng danh tiếng cho trận El Clasico, giúp thu thêm tiền bản quyền truyền hình cho họ. Đôi đường như thế coi như đều vẹn cả. Thêm vào đó, vụ bê bối trong chiến dịch đăng cai World Cup 2022 vẫn còn nguyên tính thời sự. Qatar giàu thì giàu thật đấy, nhưng đợt vận động vừa rồi, họ làm chưa được “kín kẽ” cho lắm. Chỉ cần một “cơn gió nhỏ” thổi vào là ngọn lửa âm ỉ đó sẽ bùng cháy ngay lập tức. Bởi vậy mà những tỷ phú cỡ bự của quốc gia giàu mỏ này đã không tiếc tiền của đổ hàng đống vào bóng đá châu Âu, vừa để gây dựng danh tiếng, vừa để “bôi trơn” các mối quan hệ. Nên nhớ, một trong số những nhà đầu tư đó vừa bơm hàng trăm triệu đô cho Barca; và cái gật đầu của Platini cho những ngôi sao Catalan bước lên bục cao nhất, thế nào chẳng được đổi bằng mấy tài khoản trong các ngân hàng. Cái lợi thứ hai mà Michel Platini nhận được khi bản danh sách rút gọn được công bố, đó là quyền lực. Khi những gói giải pháp mang tính cách mạng của ông được đưa ra, nhóm G14 (những CLB giàu có nhất tại châu Âu) là những người bị thiệt thòi nhất. Những vụ áp phe kỷ lục và những thương vụ chuyển nhượng đình đám khó lòng được duy trì, và đi kèm với đó là khả năng cạnh tranh cũng như danh tiếng của họ bị giảm sút đáng kể. Đưa người của Barca và Real, hai CLB mạnh nhất châu Âu ở thời điểm hiện tại, lên đỉnh vinh quang, cũng là một cách để ứng viên thay thế Blatter lấy điểm trong mắt các đội bóng lớn, từ đó xây dựng một nền móng vững chắc giúp ông bước lên những nấc thang cao hơn trên con đường quan lộ.
Không thể bỏ qua một điểm được nữa của Platini trong “thương vụ” này, ấy là phụ nữ. Quê của huyền thoại này ở đâu, ai cũng biết; và chính bởi cái dòng máu lãng mạn lúc nào cũng cuồn cuộn chảy trong người ấy mà người đứng đầu cơ quan bóng đá quyền lực nhất châu Âu đôi khi “ức chế”. Gì thì ông cũng ở cái thế “Quan trên nhắm xuống người ta trông vào” nên chẳng thế “bỗ bã” như mấy anh trai trẻ “trời không sợ đất không sợ” được. Ronaldo và Messi thì khác. Một chàng thì thay người yêu như thay áo, còn một anh thì luôn biết cách tìm cảm hứng chơi bóng bên những người đẹp. Dẫu sao CR7 và M10 cũng là những người đương thời, và việc để họ chạm tay vào điều ước, nghĩ cho cùng đâu có gì là sai. Không chừng, qua vài lần “hợp tác” như này, hai siêu sao lại chẳng dẫn cho Platini mấy “mối” để “làm ăn”. Ba cái được nói trên, kể ra cũng đã đáng để đánh đổi lắm rồi, nếu như một ai khác ngồi vào chiếc ghế của Platini. Nhưng với riêng vị chủ tịch đương nhiệm của UEFA, gật đầu với La Liga còn giúp ông thỏa mãn một sở thích có phần quái đản khác, đó là “đì người Anh”.
LĐBĐ Anh từ lâu luôn là một kẻ bất trị trong đại gia đình châu Âu. Họ sẵn sàng “xù lông nhím” bất cứ khi nào nếu như quyền lợi của FA bị ảnh hưởng. Từ công thức 6+5 cho đến chiếc thẻ đỏ của Rooney ở VL Euro 2012, từ Luật công bằng tài chính cho đến việc thất bại trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, xứ sở sương mù luôn là phía bị thiệt hại nhiều nhất. Dù chưa khi nào nói thẳng ra nhưng ai cũng cảm thấy rằng Platini lúc nào cũng nhăm nhe “dìm” người Anh xuống bùn. Nụ cười mỉm khi chứng kiến Barca đánh bại MU ngay tại Wembley đã nói lên tất cả. Và nếu nghĩ như vậy, thì việc “ngang nhiên” thiên vị La Liga đâu có gì là quá. Người phương Đông có một câu rất hay: “Lùi một bước để tiến ba bước”. Còn ở đây, Michel Platini chẳng lùi bước nào mà vẫn tiến được tới bốn. Ông vua không ngai của lục địa già đâu có vấn đề gì về thần kinh, vậy thì sao ông lại không làm?